Đặc sắc lễ cúng các vị Thần
Tuy sống xen kẽ cùng với nhiều dân tộc khác, rất khó tránh khỏi việc giao thoa và tiếp biến văn hóa, song đến nay đồng bào Chơ Ro ở Tây Nguyên vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán cổ truyền. Trong đó phải kể đến những lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh hết sức độc đáo và riêng biệt.
Tri ân cây lúa
Đối với đồng bào dân tộc Chơ Ro, lễ hội Sayangva (mừng lúa mới hay còn gọi Lễ cúng Thần lúa) và Sayangbri (cúng Thần rừng) là 2 trong số những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Đây là cách đồng bào tri ân cây lúa và rừng đã nuôi sống và chở che cho họ. Xưa kia, lễ hội kéo dài đến vài ngày, nhưng giờ chỉ diễn ra từ 2 đến 3 ngày và thường được tổ chức vào khoảng giữa tháng 3 âm lịch, sau mùa thu hoạch.
Trong lễ hội Sayangva, cây nêu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi theo cách nghĩ của người Chơ Ro, cây nêu được xem là “cây thông thiên”. Họ dựng cây nêu là để gửi “tin báo và thư mời” cho thần linh đến dự lễ hội và chung vui với bản làng. Còn đối với con người thì cây nêu là là phương tiện để thể hiện sự đoàn kết, giao cảm giữa cộng đồng. Chỉ cần nhìn thấy ở đâu có cây nêu, người ta sẽ biết rằng ở đó đang vào mùa lễ hội.
Cây nêu thường được dựng trước sân nhà và có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể cúng. Hai tầng còn lại tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Những gì sử dụng trang trí thể hiện trên cây nêu đều quy chiếu về những con số chẵn với quan niệm hoàn thiện, đầy đủ. Phía dưới gốc cây nêu buộc các con vật hiến tế như gà, heo cỏ.
Ngày diễn ra buổi lễ chính thức, từ sáng sớm những người phụ nữ Chơ Ro đã đi lên rẫy để rước hồn lúa. Đây được xem là nghi thức đầu tiên của lễ hội. Sau khi rót rượu, cúng mời thì họ bắt đầu cắt lúa đem về. Vạt lúa này gồm toàn những bông nhiều hạt, chín vàng được để dành từ mùa vụ trước. Những bông lúa dược bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại gai tre, cây cối bảo vệ cẩn thận.
Sau khi cắt lúa xong, người phụ nữ tiếp tục đến khu vườn trồng cây trái, chọn chặt lấy hai cây chuối con đem về cúng lễ với ý nghĩa cho con cháu trong gia đình mau lớn, mạnh khỏe như cây chuối con này. Tiếp theo, họ chặt thêm mấy chùm hoa cau rừng đem về để làm lễ vật dâng cúng Thần lúa. Đây là những loại cây trái, lương thực và hoa quả có chất dinh dưỡng, hương thơm tượng trưng cho sự lớn mạnh, khỏe khoắn và vững chãi trong cuộc sống.
Khi nghi thức rước hồn lúa hoàn thành cũng là lúc cúng tổ nhang nhà bắt đầu. Chùm lúa rẫy, hai cây chuôi, chùm hoa cau đem về đều được giăt lên trên trần nhà trước bàn thờ gọi là tổ nhang nhà. Đầu tiên chủ nhà cúng tổ nhang nhà. Già làng bắt đầu thực hiện những nghi thức như trang trí bàn thờ, sắp đặt lễ vật trên bàn thờ, nôi những cầu thang bằng sợi chỉ từ ché rượu lên tổ nhang nhà với ý nghĩa làm cầu thang để thần từ trên trời có thể xuống ngự chung với gia đình trong ngày lễ trọng đại này.
Sau khi cúng tổ nhang nhà, người Chơ Ro đem lễ vật ra kho lúa. Tại đây diễn ra những nghi tế và khấn riêng cho Thần lúa. Trước đây với sàn kho bằng gỗ thì người Chơ Ro trải lúa trên cả phía trong kho. Ngày nay, với nhu cầu bảo quản lâu dài nên đồng bào sử dụng các đồ dựng bằng nhiều chất liệu để chứa lúa và cất giữ trong nhà kho. Dù nhà kho còn chứa lúa hay không thì khi tổ chức lễ cúng Sayangva thì trong kho phải có một số lúa tượng trưng. Nhà kho được dọn cho tươm tất, sạch sẽ.
“Trong lời khấn, bà con thường nói lời cảm ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ gia đình, làng bản bình an, mùa màng, nương rẫy, cây trái tốt tươi. Và họ cũng cầu thần linh, tổ tiên tiếp tục phù hộ, giúp đỡ tất cả mọi người trong làng bản trong những ngày tháng sau này. Dù ở đâu làm gì, dù ở nhà hay làm rẫy, lúc lên rừng hay xuống suối thì đều được bình an, không bị bệnh tật, ma quỷ làm hại, người trong gia đình từ già đến trẻ đều mau mắn. Cầu xin thần linh cho cây cối, lúa rẫy tốt tươi, mưa thuận gió thuận hòa; cây cối, mùa màng không bị sâu bệnh, không bị thú dữ về phá hoại...”, già làng Tơ Tơ, ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, một “pho từ điển sống” của người Chơ Ro, chia sẻ.
Sau phần lễ là phần hội, những người tham gia trong và ngoài cộng đồng có thể tham gia ca hát, nhảy múa, lúc này những nghệ nhân Chơ Ro lớn tuổi có thể biểu diễn những loại nhạc cụ truyền thống như thổi kèn lúa, kèn môi, đánh cồng chiêng hay hát dân ca của dân tộc mình. Mọi người có thể thưởng thức cơm lam, thịt rừng nướng, uống rượu cần một cách thoải mái say sưa hòa mình cùng với những lời ca điệu múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã.
Ngoài nghi thức cúng lễ, trong lễ hội cúng Thần lúa còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, làm bánh óng, bánh dày… cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống. Những hoạt động đó không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần vui chơi, giải trí của đồng bào mà còn góp phần tạo lên sự gắn kết giữa mọi người.
Kính ngưỡng Thần rừng
Với tín ngưỡng đa thần, quan niệm mọi vật đều có linh hồn nên ngoài Thần lúa, người Chơ Ro còn có lòng tôn kính rất lớn đối với Thần rừng. Bởi từ thời xa xưa, dân tộc này đã sinh sống dựa vào thiên nhiên, họ bám rừng, bám núi để mưu sinh. Rừng mang đến cho họ không khí trong lành, bảo vệ khỏi thiên tai, lũ lụt; rừng còn cung cấp cho họ các loại hoa, cây trái... Vì thế, họ quan niệm mỗi khu rừng đều có thần cai quản. Vào rừng muốn chặt cây thì phải xin phép thần, hằng năm phải trồng thêm cây non vào mỗi mùa xuân để rừng luôn xanh tốt.
Để tạ ơn Thần rừng, năm nào vào dịp đầu xuân đồng bào cũng tổ chức lễ cúng ngay tại khu rừng. Vị trí lập bàn thờ cúng là một gốc cây to nhất. Khi mọi công việc được chuẩn bị hoàn tất thì lễ cúng cũng được bắt đầu. Người chịu trách nhiệm chính trong lễ cúng rừng là già làng, trưởng bản, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của dân tộc mình, được dân làng kính trọng, tín nhiệm.
Trong bài khấn, người khấn sẽ nói những lời tạ ơn công đức của Thần rừng quanh năm bao bọc, chở che và ban cho con người nguồn sống. Đồng thời, người khấn còn thay mặt cho dân làng nói lên quyết tâm sẽ bảo vệ rừng thiêng, hằng ngày gìn giữ, chăm sóc và trồng thêm nhiều cây con, quyết tâm không phá hoại rừng. Bài cúng cũng mong Thần rừng trong năm mới sẽ ban cho dân làng nhiều hoa thơm, trái ngọt và cho mưa thuận gió hòa, cây rừng tốt tươi.
Khi lễ chính kết thúc, người ta kết một chiếc thuyền hoặc chiếc bè làm bằng bẹ chuối, để lên đó các thức cúng và đầu con dê, con heo rồi thả xuống suối để đưa tiễn thần linh. Sau đó, dân làng sẽ tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng và ăn uống ngay tại gốc cây cổ thụ. Đây là hoạt động nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết của mọi người dân trong bản. Cuộc vui có thể kéo dài đến vài ngày.
Già làng Tơ Tơ, chia sẻ: “Người Chơ Ro theo tín ngưỡng đa thần. Vạn vật hữu linh, từ cây cối, sông suối, đất đá… đều có một vị thần (Yang) cai quản như Yang Mir (Thần rẫy), Yang Va (Thần lúa), Yang Dal (Thần suối)… Trong đó, Thần rừng Yang Bri là một trong những vị thần quan trọng, vì thế, lễ cúng tế cũng do cả tập thể buôn làng cùng tổ chức, già làng chủ trì. Ngày xưa, nơi hành lễ là khoảng đất rộng dưới bóng gốc cây cổ thụ linh thiêng nhất của làng, nay lễ hội được tổ chức tại nhà dài”.
Cũng theo già Tơ Tơ thì xưa kia, lễ cúng Thần rừng của người Chơ Ro được thực hiện trong nhiều ngày, nhiều người tham dự. Để tổ chức lễ được chu đáo, đồng bào lập ra một Ban tổ chức lễ hội do một già làng làm chủ trì, các thành viên còn lại là những người cao tuổi có kinh nghiệm, uy tín, vai vế trong làng, dòng họ. Nhiệm vụ của Ban tổ chức lễ hội này vận động trong làng, trong dòng họ tiền bạc, thóc gạo, súc vật... và chịu trách nhiệm về tổ chức nghi lễ.
Công tác chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng cũng được triển khai thực hiện rất kỹ càng. Đơn giản như rượu dùng trong lễ cúng cúng không phải loại rượu bình thường, mà được làm rất kỳ công. Tên của loại rượu này được gọi là xơ - tơm.
Khác với rượu thường dùng chỉ ủ bằng sắn (khoai mì), hay bắp, hoặc lúa rẫy, rượu xơ-tơm là kết tinh của gần 40 loại cây, rễ, lá rừng có vị thuốc. Quá trình làm rượu, người phụ nữ phải tắm rửa sạch sẽ, phải để rượu ở nơi khô ráo, tinh thần phải vui vẻ, không được buồn rầu hay tức giận. Nếu trái với những điều này, rượu ủ sẽ bị chua, sẽ bị Yang quở phạt.
“Lễ cúng Yang Bri không chỉ là nét văn hóa truyền thống rất đẹp của người Chơ Ro, đã lưu truyền từ thời tổ tiên khai mở vùng đất đến nay, mà còn mang ý nghĩa rất thiết thực là gắn kết con người với nhau, sống tốt hơn. Lễ hội là dịp để con cháu có dịp tụ họp về, nghe cha ông mình kể để hiểu hơn về gốc gác, truyền thống của tộc mình, răn dạy con cháu biết trân quý, bảo những gì thiên nhiên ban tặng”, già Tơ Tơ tâm sự.
Theo thời gian, lễ cúng Thần rừng cũng có nhiều thay đổi. Nếu như xưa kia, người Chơ Ro thường tổ chức vào tháng 3 âm lịch, thì giờ đây đã được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán để con cháu có điều kiện tụ tập đông đủ.
Tuy có thay đổi về mặt thời gian và không gian tổ chức, song về cơ bản lễ cúng Thần rừng vẫn bảo lưu được nhiều nét cổ xưa. Và điều quan trọng là ý nghĩa của lễ cúng không hề thay đổi. Đó là đề cao tinh thần giữ rừng, bảo vệ, không tàn phá thiên nhiên.