Nét đẹp giữa rừng xanh
Khơ Mú là một trong những tộc người sinh sống lâu đời ở Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, dân tộc này vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc với những làn điệu dân ca hay lễ hội, phong tục hết sức riêng biệt, mang đậm triết lý về con người và vạn vật.
Truyền thuyết về quả bầu mẹ
Người Khơ Mú còn có các tên gọi khác như Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Đây là một trong những nhóm sắc tộc lớn sinh sống tại khu vực miền Bắc nước Lào. Theo các nhà nghiên cứu, cách đây hàng trăm năm trước, người Khơ Mú di cư đến một số tỉnh miền núi Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... rồi dần lan tỏa tới các địa phương khác. Hiện nay người Khơ Mú có khoảng 73 ngàn người sống ở 44 tỉnh và thành phố.
Đến giờ, nhiều người già Khơ Mú vẫn còn kể cho con cháu nghe truyền thuyết về quả bầu, trong đó lý giải sự xuất hiện của con người. Câu chuyện đó kể rằng, từ xa xưa, một lần trời sắp gây ra trận đại hồng thủy thì có hai anh em được con dúi mách. Hai người lấy khúc gỗ to rồi khoét rỗng, chui vào cây gỗ và thoát nạn. Sau 7 ngày 7 đêm, họ chui ra khỏi cây gỗ thì xung quanh không còn một bóng người và loài vật. Tất cả đều đã chết, mặt đất chỉ còn lại hai anh em họ mà thôi. Ngày qua ngày, họ sinh sống với nhau.
Về sau, con chim Tgoóc thấy họ buồn bã quá bèn khuyên hai người lấy nhau để loài người được tồn tại lâu dài. Sau nhiều lần từ chối, hai anh em họ buộc phải lấy nhau. Người vợ sau khi có thai được 7 năm 7 tháng 7 ngày thì sinh ra một quả bầu. Người chồng lấy làm lạ, định bỏ đi, nhưng người vợ không nỡ, mới đem gác quả bầu lên bếp.
Có lần, đi làm nương rẫy về, người chồng nghe trong nhà có tiếng người nói lao xao thì lấy làm lạ lắm. Khi anh ta áp tai vào quả bầu thì thấy có tiếng người nói với nhau trong đó. Hai vợ chồng lấy đầu que, đốt lên để dùi thủng quả bầu ra. Từ trong quả bầu, người Khơ Mú chui ra trước, người chồng thấy vậy bèn khoét lỗ to hơn, thế là từ trong quả bầu, người Thái, người Lự, người Tày… lần lượt cùng nhau chui ra, đến cuối cùng, người Lào và người Kinh cũng ra nốt.
Người Khơ Mú từ quả bầu chui ra đầu tiên nên bị vết than đen của quả bầu dính vào, vì thế họ có nước da ngăm đen. Còn người Kinh ra sau cùng nên da trắng hơn. Khi tất cả các dân tộc đều chui ra thì bản làng trở nên đông đúc, mỗi dân tộc phải tìm đến ở một khu vực để sinh sống. Người Khơ Mú ở lại gần chỗ quả bầu nơi lưng chừng núi, người Mông lên đỉnh núi cao, người Thái đi xuống bên suối, người Kinh ra sau cùng nên phải đi xa nhất, xuống tận vùng đồng bằng ngày nay.
“Đến tận bây giờ, quả bầu vẫn có một vị trí hết sức quan trọng trong tâm thức của người Khơ Mú và là biểu tượng của những điều tốt lành. Thế nên khi chuẩn bị các đồ cúng lễ, quả bầu là thứ không thể thiếu”, bà Mèo Thị Beo, người dân tộc Khơ Mú ở Nghĩa Sơn, Văn Chấn, Yên Bái, chia sẻ.
Gắn chặt với núi rừng
Chính vì lựa chọn nơi núi cao để sống, nhường lại “bờ xôi ruộng mật” nơi đất bằng cho những người anh em “sinh sau, đẻ muộn” của mình nên từ xa xưa, tổ tiên người Khơ Mú đã gắn chặt với núi rừng, thiên nhiên hoang dã. Người Khơ Mú chủ yếu trồng lúa, ngô trên nương, ít khi trồng lúa nước và cây trồng chính là ngô, khoai, sắn. Trong canh tác, họ thường dùng dao, rìu, gậy chọc lỗ rồi tra hạt giống. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phần lớn chỉ để phục vụ sinh hoạt và giết thịt vào các dịp lễ lạt, tiếp khách.
Tuy có nghề đan lát phát triển, bằng chứng là hầu hết các đồ dùng để vận chuyển, chứa lương thực của người Khơ Mú đều do tự bàn tay họ làm ra, song dân tộc này lại ít chú trọng đến việc đan sợi hay dệt vải. Thế nên trang phục của họ thường được mua của người Thái đen.
Không giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Khơ Mú đặc biệt tuân theo chế độ 1 vợ 1 chồng, hầu như không có chuyện đàn ông “3 thê 7 thiếp”. Nhờ vậy mà các cặp vợ chồng người Khơ Mú thường sống hạnh phúc, không mấy khi xảy ra mâu thuẫn, bất hoà.
Ông Quàng Văn Cá, ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, cho biết, người Khơ Mú sống theo gia đình nhỏ phụ quyền. Khi trai gái đến tuổi được tự do tìm hiểu bạn đời, nhưng để dẫn đến hôn nhân thì quyết định là do hai gia đình. Hôn lễ được tiến hành qua các lễ ngỏ lời rồi đến lễ ăn dạm hỏi, sau đó lễ cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai phải dẫn sang nhà gái tiền mua người và đồ sính lễ.
Cưới xong, người con trai ở rể bên nhà vợ một thời gian. Sau đó nhà trai lại tổ chức ăn uống, làm lễ đón dâu. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố.
Một vòng đời của người Khơ Mú được bắt đầu bằng nghi lễ đặt tên. Theo quan niệm dân gian, việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tính cách, đôi khi chi phối tới số phận của một con người. Do đó, ngoài việc đặt tên theo giấy khai sinh thì thực hiện lễ đặt tên là không thể thiếu được đối với vòng đời của một người Khơ Mú.
“Việc đặt tên có thể sau khi đứa trẻ sinh được ba ngày nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn khi đứa trẻ tròn 1 tuổi. Trong lễ cúng đặt tên, ông mo sẽ lấy xương cánh gà chặt nhỏ ra treo các đồng bạc lên rồi đeo lên cổ cho em bé. Sau đó, ông mo thả hạt gạo lên quả trứng để xem tên nào phù hợp với em bé. Nếu bé hợp tên nào thì thả 2 hạt gạo lên trứng, ông mo nói chẵn mà thả được 3 lần chẵn thì tên đó hợp”, ông Quàng Văn Cá chia sẻ.
Phong phú các lễ hội
Người Khơ Mú có câu “Ruôi rít chi moong”, có nghĩa là bỏ phong tục tập quán sẽ bị tàn lụi, để nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thế cho nên dẫu có số dân ít ỏi, đời sống còn nhiều thiếu khó, song người Khơ Mú nổi tiếng là dân tộc lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, lễ hội cổ truyền.
Do tập quán sản xuất nương rẫy nên từ nhiều đời nay, đồng bào Khơ Mú cho rằng hành động trong đời sống hàng ngày đều do các thế lực siêu nhiên chi phối. Những lực lượng siêu nhiên này đồng bào gọi chung là Hrôi (ma). Các Hrôi chính là Hrôi lvang (ma trời), Hrôi Plee (ma đất), Hrôi Pru đông (ma nước), Hrôirvát (ma nhà)... Các Hrôi sống hiền lành cùng con người, nhưng khi con người làm trái ý thì sẽ “phản” lại gây tai họa. Do vậy, trong một năm, ngoài những dịp cúng bái tổ tiên, người Khơ Mú còn có khá nhiều thời điểm thực hiện các nghi lễ thờ cúng ma bản (Hrôi cung) hay ma mường (Hrôi Phrông).
Đồng thời, đồng bào cũng rất coi trọng các vật thể có công giúp đỡ con người. Sau mỗi vụ thu lúa nương, gia đình làm lễ “đón mẹ lúa” (Grơ mạ ngọ) bao giờ cũng làm thủ tục tạ ơn con trâu, cái rìu, cái cuốc, con dao... trước khi gia đình ngồi vào mâm cơm cỗ.
Còn trong các lễ hội, Lễ hội Xên Cung hay còn gọi là Lễ cúng bản được xem là một trong những nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu nhất trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Bởi lễ hội này là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng.
Với ước mong các vị thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, bản mường ấm no, nhà nhà hạnh phúc, lễ cúng bản được tổ chức mỗi năm một lần, vào cuối tháng hai, đầu tháng ba dương lịch. Sau khi gieo trồng, cây lúa lên cao cỡ một gang tay, người Khơ Mú tiến hành làm lễ. Đến dịp lễ, trong bản sẽ chọn ra một người làm thầy cúng, đại diện cho dân bản làm nghi lễ khấn mời các vị thần. Thầy cúng phải là người thạo việc thờ cúng, hiểu biết rõ phong tục tập quán của dân tộc mình.
Nghi lễ có hai phần cúng, trước tiên cúng ngoài gốc cây to của bản, sau đó mới cúng trong nhà. Lễ vật cúng ở gốc cây to đầu bản gồm một số loại thực phẩm, như đầu lợn, sườn lợn, quần áo, vải vóc... Lễ vật dâng cúng ma làng, các thần linh để báo cáo về vụ thu hoạch được mùa vừa qua. Sau đó đến phần cúng tổ tiên, ông bà gồm một con gà trống, xôi đồ, rượu trắng, đĩa trầu... để báo cáo tổ tiên rằng con cháu đã hoàn thành công việc, mời ma làng và các thần linh về dự lễ. Kết thúc phần lễ, mọi người cùng múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình và chơi các trò chơi dân gian.
Theo quan niệm xa xưa của người Khơ Mú, để bảo vệ người dân trong bản, ba ngày trước và sau làm lễ, đồng bào không được ra khỏi bản, vào rừng săn bắt, hái lượm, người lạ không được vào bản, vì ra khỏi bản trước và sau làm lễ sẽ bị rắn cắn, hổ vồ. Nhưng bây giờ, quan niệm đó được thay đổi, thông thoáng hơn. Mọi người chỉ cần không ra khỏi bản trước khi diễn ra lễ hội một ngày là được...
Nhìn chung, những phong tục hay lễ hội của người Khơ Mú đều mang đậm dấu ấn tín ngưỡng và triết lý sâu sắc. Đó là tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, biết ơn công lao của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tư duy, suy nghĩ, tinh thần ấy ở của người Khơ Mú nó sẽ mãi là một nét đẹp giữa rừng xanh.