Miền hoa ban giữa thành phố mang tên Bác
Trong chuyến công tác vào TP. Hồ Chí Minh tham dự Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên, Tây Bắc trên phố đi bộ đường Nguyễn Huệ, Quận 1 - trung tâm TP. Hồ Chí Minh, tôi may mắn được hòa mình vào không khí lễ hội rất quen mà lạ. Quen là bởi đều là những nét văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà. Lạ là những nét văn hóa đặc trưng đó đã đưa hương sắc miền ban đã lan tỏa khắp thành phố mang tên Bác. Qua đó, đưa hình ảnh Điện Biên xinh đẹp, đa dạng văn hóa, thân thiện và mến khách đến gần hơn với người dân và du khách nơi đây…
Khi mới rời sân bay, cậu bạn học năm xưa tới đón tôi có nói đùa, khác với miền Bắc, hay cụ thể là với Điện Biên, trong TP. Hồ Chí Minh chỉ có 2 mùa, một là mùa nóng, hai là… mùa nóng hơn. Quả thực cái nóng của thời tiết, đông đúc ồn ào của một trong những thành phố lớn nhất nước khiến cho tôi cảm thấy choáng ngợp khi lần đầu đặt chân tới. Sau bữa cơm trưa vội vã lúc hơn 1 giờ chiều, thời tiết đặc trưng của miền Nam khiến tôi chẳng muốn bước chân ra khỏi phòng máy lạnh. Ấy vậy mà các cán bộ, viên chức và cả một số doanh nghiệp của tỉnh nhà đã vào đây “tận hưởng” cái nóng từ vài ngày trước, giờ còn đang “bơi” cả ra khu phố đi bộ để chuẩn bị cho ngày hội lớn. Nào là tiếp tục dựng ngôi nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì, ngôi nhà sàn của dân tộc Thái, nào là sắp xếp các nông cụ, dụng cụ lao động sản xuất của đồng bào Mông… Phải đến sáng hôm sau, khi trời dịu mát hơn, tôi mới cùng một vài đồng nghiệp tiến ra khu tổ chức sự kiện.
May mắn cho đoàn Điện Biên là đúng vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho đêm khai mạc thì trời lại có mây râm mát, cộng với từng đợt gió từ sông Sài Gòn thổi tới khiến cho những cán bộ ngành văn hóa “tiết kiệm” được một ít mồ hôi để dành cho những ngày làm việc sắp tới.
Cũng bởi lựa chọn vị trí tổ chức sự kiện “đắc địa” nằm ngay phố đi bộ, trung tâm của quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh nên ngay từ lúc còn đang chuẩn bị, du khách trong và ngoài nước, người dân thành phố mang tên Bác đã đến để xem, để biết và để hiểu thêm về mảnh đất Điện Biên ở miền Tây Bắc xa xôi cách hàng ngàn cây số. Trong số những vị khách quý đầu tiên đó, tôi ấn tượng với 2 người khách nước ngoài đến từ nước Mỹ. Không giống với nhiều du khách thích “check-in”, hai du khách này lại rất tò mò với những sản phẩm thủ công truyền thống của người Mông được huyện Tủa Chùa mang tới đây. Khi được đề nghị phỏng vấn, bà Shannon – một trong hai du khách Mỹ không ngần ngại mà lập tức hưởng ứng.
Dường như bà rất muốn chia sẻ về cảm xúc của mình ngay lúc đó. Bà Shannon nói: “Tôi thực sự ấn tượng vì nhiệt huyết và niềm đam mê của các bạn để giữ những giá trị văn hóa cốt lõi qua nhiều thế hệ. Tinh thần này thật đáng quý. Và tôi cảm thấy thật sự may mắn, vui mừng khi tôi đã đến đây được trải nghiệm những điều tuyệt vời này. Đây là lần thứ 4 tôi đến Việt Nam, nhưng tôi chưa từng được đến với Điện Biên. Sau khi tôi biết về Điện Biên qua sự kiện này, tôi rất ấn tượng với văn hóa của Điện Biên. Vậy nên lần sau đến Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ đến Điện Biên”.
Đến tối ngày 4/12, chương trình khai mạc Tuần văn hóa mới chính thức được tiến hành. Sau phần lễ ngắn gọn, xúc tích nhưng đầy trang trọng, chương trình nghệ thuật đặc biệt khai hội với tên gọi “Việt Nam đất nước tuyệt vời” đã mang đến cho du khách xem trực tiếp tại sân khấu và gián tiếp qua màn ảnh nhỏ nhiều ấn tượng. Mở màn chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên, Tây Bắc là chùm ca khúc kết nối lịch sử 2 vùng đất Điện Biên và TP. Hồ Chí Minh như: Hò kéo pháo; Giải phóng Điện Biên; Giải phóng Miền Nam; Tiến về Sài Gòn và ca khúc Đất nước trọn niềm vui.
Ngồi chung trong hàng ghế khán giả, tôi thấy tiếng reo hò không ngớt của niềm vui, niềm xúc động khi thấy được lịch sử hào hùng của 2 vùng đất cách mạng đang được tái hiện sinh động ở nơi đây. Cùng với đó, xuyên suốt chương trình nghệ thuật đêm khai mạc, khán giả đã thấy được vẻ đẹp của một Việt Nam với non sông gấm vóc và bản sắc văn hóa đa dạng của 3 vùng miền. Trong đó, văn hóa của Điện Biên, Tây Bắc được những người con miền đất hoa ban tái hiện chân thực, sinh động với những ca khúc về lễ hội hoa ban và những điệu múa xòe.
Thông qua chùm ca khúc, Điện Biên đã gửi lời mời đến du khách hãy đến với Điện Biên, đến với Lễ hội Hoa Ban để được thưởng thức các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và được ngắm, được yêu loài hoa trắng trong, thuần khiết, đang điểm tô cho mảnh đất cực Tây thêm rạng rỡ khi mùa xuân về. Khép lại chương trình nghệ thuật đêm khai mạc là một vòng xòe như gắn kết gần hơn Điện Biên - miền hoa ban với thành phố mang tên Bác.
Ngay khi ánh đèn sân khấu đêm khai mạc vụt tắt, tôi và các bạn đồng nghiệp vội vã đi tìm nghệ sĩ ưu tú Điêu Thị Thực, Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh. Đêm khai mạc thành công, gánh lo được đặt xuống, bà Điêu Thị Thực mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Bà Điêu Thị Thực tâm sự: “Tại chương trình nghệ thuật đêm khai mạc này, Đoàn Nghệ thuật đã nỗ lực mang đến những ca khúc ca ngợi mảnh đất Điện Biên lịch sử, những tiết mục về du lịch để giới thiệu mời gọi quý khán giả đến với Điện Biên vào mỗi dịp tháng 3, gần nhất là đến với Lễ hội Hoa Ban năm 2024 tới đây. Để làm được điều đó, chúng tôi đã biên đạo dàn dựng các tiết mục của mình và may mắn là được khán giả đón nhận. Có rất nhiều những tiếng khen ngợi và những tràng pháo tay cổ vũ cho tiết mục của đoàn Điện Biên tham gia…”.
Nhiều người gọi vui, nơi đang diễn ra sự kiện này là “thành phố không ngủ”. Mọi hoạt động vui chơi, giải trí tham quan đều để dành cho buổi chiều và buổi tối để tránh cái nắng gay gắt của miền Nam. Bởi vậy, tôi thấy hầu hết vào lúc buổi xế chiều, hàng ngàn người dân và du khách ở thành phố mang tên Bác mới đến để thăm một Điện Biên thu nhỏ ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đáp lại tình cảm đó, đơn vị tổ chức đã dày công chuẩn bị nhiều hoạt động sôi nổi và đặc sắc. Ngoài không gian triển lãm ảnh giới thiệu về lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nổi bật nhất trong chuỗi các sự kiện là không gian văn hóa vùng cao tái hiện về kiến trúc nhà ở của một số dân tộc tỉnh Điện Biên. Không gian nhà ở được tái hiện chân thực và ở mỗi căn nhà đều có các nghệ nhân trình diễn các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Vì vậy, nhân dân du khách tham quan đều cảm thấy như đang được đến với Điện Biên. Trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa, du khách còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, đuợc cùng các nghệ nhân ném còn, mùa xòe, múa sạp và hòa mình vào dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên.
Nắm chặt chiếc điện thoại trong tay, ông Nguyễn Công Thành, TP. Hồ Chí Minh dạo quanh khắp không gian văn hóa vùng cao, trải nghiệm gần như đầy đủ những gì Điện Biên mang đến quảng bá ở đây. Không quá sôi động như các bạn trẻ tham gia nhảy sạp, ông lặng lẽ ghi lại những khoảnh khắc mà mình cho là ấn tượng nhất ở đây. Ông Nguyễn Công Thành nói: “Ban Tổ chức đã thể hiện được hình ảnh Tây Bắc ở ngay giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Họ mang cả những vật liệu tự nhiên đến đây để dựng lên những ngôi nhà truyền thống. Nhiều sản phẩm của đồng bào các dân tộc và kể cả chính những người đồng bào dân tộc hồn hậu, mến khách cũng có mặt tại đây… Tôi đang có cảm giác như tôi đang ở Tây Bắc, đang đến Điện Biên”.
Trong hàng ngàn du khách đến với Tuần Văn hóa, có thêm một du khách đặc biệt để lại ấn tượng trong chúng tôi - ông Trương Quốc Thắng, một người lính bác Hồ năm xưa. Qua câu chuyện ông kể, tôi biết được rằng mặc dù mới đi công tác trở về nhưng nắm được thông tin có Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Tây Bắc, ông đã vội tìm đến địa điểm nơi tổ chức sự kiện. Dưới cái nắng gần trưa, khi người vui hội đã vãn, trước bộ ảnh triển làm về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, người cựu chiến binh này chăm chú xem từng ảnh, thêm tự hào về lịch sử dân tộc và thêm yêu Điện Biên hơn.
Ông Trương Quốc Thắng, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh xúc động: “Cũng từng là người lính chính vì vậy, khi đứng trước những tấm ảnh này rất xúc động. Điện Biên để có ngày hôm nay chúng ta đã phải trải qua sự đấu tranh rất ngoan cường và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đặc biệt là Điện Biên đã làm nên một kỳ tích không những là nổi tiếng ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Hôm nay đến đây không gian này được hiểu biết thêm về lịch sử. Vì ở đây, các bạn đã giới thiệu chặng đường của lịch sử và sự phát triển của đồng bào các dân tộc Điện Biên hôm nay…”
Thật khó cho tôi có thể chuyển tải hết những ấn tượng về Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên, Tây Bắc khi đã đưa nét đẹp của mảnh đất hoa ban về lan tỏa giữa lòng thành phố mang tên Bác. Nhưng tôi có thể khẳng định được rằng, chúng ta đã tổ chức thành công một sự kiện hoành tráng với ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi giới thiệu được vẻ đẹp của Điện Biên tới mảnh đất phương Nam xa xôi. Từ những thành công của sự kiện này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, lượng khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.