Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, tạo việc làm
Thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sơn La đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, tạo việc làm.
Xã Pi Toong (huyện Mường La) là một trong những xã nghèo của tỉnh Sơn La. Người dân trong xã đều làm nông nghiệp. Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La, nhiều hộ gia đình tại đây đã đầu tư sản xuất để phát triển kinh tế.
Chị Quàng Thị Kiểu (xã Pi Toong) cho biết, khi được địa phương tuyên truyền về các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi, chị đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng về phát triển cửa hàng tạp hóa của gia đình, mở rộng chuồng trại chăn nuôi và cải tạo vườn cây ăn quả.
Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị Kiểu đã khấm khá hơn trước. Thu nhập hằng tháng của 3 lao động chính được khoảng 12 triệu đồng.
Chị Kiểu chia sẻ đây là số tiền trước đây họ chẳng bao giờ nghĩ tới. Chị mong muốn có thể vay thêm nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng hơn nữa.
Không riêng nhà chị Kiểu, nhiều gia đình khác tại xã Pi Toong cũng đã "thay da đổi thịt" nhờ được vay vốn để đầu tư cải tạo chuồng trại, mua con giống, cây giống, phục vụ sản xuất.
Ông Lường Văn Lên – Phó Chủ tịch UBND xã Pi Toong chia sẻ, khi người nông dân trong xã tiếp cận được nguồn vốn, UBND xã tiếp tục phối hợp với các bản quán triệt triển khai tới từng hộ dân về các chế độ chính sách của Nhà nước.
Hiện nay, UBND xã Pi Toong đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các tổ chức tín dụng khác để có nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trong xã. Các tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho bà con về khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi để nguồn vốn vay đầu tư hiệu quả.
Ngoài vấn đề vốn, UBND xã còn quan tâm tới giải quyết việc làm cho người dân. UBND xã lên danh sách các lao động học xong PTTH chưa có việc làm, thiếu việc làm, thu nhập thấp để phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện đào tạo nghề và kết nối cho lao động đi tìm việc ở tỉnh ngoài, xuất khẩu lao động.
Tại xã Mường Trai (huyện Mường La), gia đình chị Lường Thị Lợi được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ. Chị Lợi đã mua bò giống, nuôi lợn và cá. Mỗi năm gia đình chị bán được 40 – 50 con lợn thịt, 6 tấn cá, 2 con bò, thu về khoảng 130 – 150 triệu đồng.
Nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La đã tập trung tuyên truyền và rà soát nhu cầu của người dân để tiến hành giải ngân, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo tiêu chí giảm nghèo cho địa phương.
Qua các đợt kiểm tra của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ gia đình vay vốn đều dùng nguồn vốn đúng mục đích, tập trung vào sản xuất, kinh doanh tại gia đình, trả lãi đúng hạn.
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, tạo việc làm để phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn vay, các hộ nông dân duy trì mở rộng việc làm, giải quyết việc làm lúc nhàn rỗi.
Đến nay, kinh tế các hộ gia đình từng bước ổn định, đời sống người dân thay đổi, bà con dân tộc thiểu số ở đây làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.
Chương trình tín dụng cho vay thực hiện theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Nghị định thi hành đã mang lại nhiều ưu đãi cho người lao động. Người lao động được vay mức tối đa 100 triệu đồng, thời hạn tối đa 10 năm, lãi suất theo quy định tín dụng hộ cận nghèo.
Ngân hàng Chính sách rà soát và cho vay thuận tiện, người dân không cần thế chấp. Hoạt động giám sát nguồn vay và tuyên truyền tới từng người vay vốn đã góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.