Cộng đồng Ta Lang hợp sức giữ rừng
Thôn Ta Lang (xã Bha Lêê, Tây Giang) là một cộng đồng rất đặc biệt khi nhận khoán bảo vệ rừng đồng thời của 2 chủ rừng là Khu bảo tồn (KBT) loài Sao La và Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tây Giang. Để đảm bảo công tác bảo vệ rừng, hài hòa lợi ích cộng đồng và không chồng chéo nhiệm vụ, cộng đồng này đã chủ động lập ra các quy tắc hoạt động riêng.
Thôn Ta Lang có 94 hộ dân, đang nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) với diện tích hơn 2.680ha, trong đó nhận khoán KBT loài Sao La là 283ha và BQL rừng phòng hộ Tây Giang hơn 2.400ha. Để đảm bảo công tác quản lý, giám sát, bí thư chi bộ và trưởng thôn sẽ giữ chức vụ trưởng và phó ban điều hành theo hợp đồng nhận khoán của 2 chủ rừng.
Cụ thể, ông Alăng Minh – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban điều hành quản lý, BVR cộng đồng (thuộc hợp đồng nhận khoán bên KBT loài Sao La) sẽ giữ chức Phó ban điều hành cộng đồng (thuộc hợp đồng nhận khoán bên BQL rừng phòng hộ Tây Giang). Ngược lại, ông Alăng Sen – Trưởng thôn sẽ giữ chức vụ Trưởng ban điều hành bên rừng phòng hộ Tây Giang và Phó ban điều hành KBT loài Sao La.
Trưởng thôn Ta Lang Alăng Sen cho biết, theo quy ước 2 hợp đồng nhận khoán, 50% số tiền nhận được từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ chi cho công tác tuần tra, 2 triệu đồng chi cho ban điều hành, số tiền còn lại sẽ chia đều cho cộng đồng. Việc người đứng đầu thôn giữ các chức vụ chủ chốt trong ban điều hành sẽ khẳng định uy tín, tính minh bạch trong việc phân công nhiệm vụ, hài hòa lợi ích cộng đồng.
“Hai hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ có thể chênh lệch nhiều về diện tích nhưng trưởng ban và phó ban đều phân chia công việc đồng đều; hỗ trợ lẫn nhau đảm bảo tính chính xác trong công tác điều hành, chi trả” – ông Alăng Sen nói.
Về công tác tuần tra rừng, ông ALăng Minh cho biết, thôn sẽ cho các hộ dân tự nguyện đăng ký. Sau khi loại trừ các hộ đang hưởng lương theo chế độ chính sách nhà nước, hộ có thanh niên đang làm ăn xa thì chốt danh sách vào cuối năm. Sau đó thôn sẽ chia lực lượng bảo vệ thành 2 nhóm theo hợp đồng nhận khoán với 2 chủ rừng.
“Theo lịch trình đặt ra, lực lượng tuần tra rừng thuộc bên KBT loài Sao La sẽ đi 3 ngày/đợt, còn bên BQL rừng phòng hộ Tây Giang đi 1 ngày/đợt. Thôn sẽ linh hoạt việc phân công các lịch, bố trí lực lượng tuần tra để đảm bảo lực lượng cả 2 bên được nhận mức hỗ trợ như nhau. Đồng thời mỗi năm, 2 lực lượng sẽ thay đổi nhiệm vụ cho nhau, đảm bảo công bằng, nắm bắt khu vực nhận khoán BVR” – ông ALăng Minh thông tin.
Hài hòa nhiệm vụ, lợi ích trong cộng đồng nên mọi người dân đều có nguồn thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR. Từ số tiền nhận được, một số hộ đã phát triển các mô hình chăn nuôi gà, vịt, từng bước phát triển kinh tế.
Ông Minh nói: “Người dân đều ý thức được việc BVR chính là bảo vệ nguồn sinh kế bền vững. Do đó, mọi người tự giác chấp hành các quy định về giữ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, không săn bắt động vật hoang dã. Nhờ đó, những năm qua, đối với 2 diện tích cộng đồng nhận khoán không xảy ra tình trạng xâm hại rừng trái phép; số lượng bẫy thú ghi nhận ở mức rất thấp”.