Tiêu điểm

Thúc đẩy và bảo vệ Quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam

Thanh Hải 08/12/2023 18:10

Ngày 8/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”, nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (1948), 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (1993). GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo.

Cùng chủ trì có PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người. Dự Hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm làm sáng tỏ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về quyền con người cũng như khẳng định những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thời kỳ đổi mới. Qua đó, Hội thảo góp phần khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, bảo đảm hiệu quả quyền con người của mọi người dân trên các lĩnh vực rộng lớn của đời sống xã hội.

img_4723.png
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi nêu rõ, sau khi Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna ra đời, thông điệp “tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” đã không ngừng được ghi nhận, phát triển và hiện thực hóa tại mọi khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, qua đó cuộc đấu tranh vì quyền con người của nhân loại đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Với truyền thống yêu chuộng hòa bình và công lý cùng lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam càng hiểu rõ giá trị cao quý của quyền con người và quyền tự quyết dân tộc.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý về quyền con người. Đến nay, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người.

img_4724.jpeg
Toàn cảnh Hội thảo.

Bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua là kết quả của gần 30 năm đổi mới, được xem là đỉnh cao trong lịch sử lập hiến bảo vệ quyền con người. Với 120 điều, Hiến pháp đã dành 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Bên cạnh hệ thống pháp luật, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Lần đầu tiên vai trò, trách nhiệm của Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 3 và Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, đó là Nhà nước đã thừa nhận trách nhiệm/nghĩa vụ của mình là “công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.
Từ quy định này, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rất rõ vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Đối với Quốc hội, “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp…”. Bên cạnh đó, thông qua các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Chia sẻ tại Hội thảo, GS,TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: "Bản tuyên ngôn phổ quát của quốc tế về quyền con người năm 1948 là một giá trị. Thứ nhất giá trị quyền con người. Thứ hai là giá trị pháp quyền. Thứ ba, giá trị Nhà nước pháp quyền. Những giá trị mà hiện nay trong hoạt động học thuật thực tiễn chính trị và thực tiễn của đời sống xã hội cùng chúng ta đều nhắc đến. Vấn đề quan trọng hiện nay là các giá trị đó cần phải được tiếp nhận tiếp tục phát triển sáng tạo trong quá trình đổi mới Việt Nam".

img_4725.jpeg
img_4726.jpeg
Các đại biểu tại hội thảo.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận gần 50 bài viết của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà quản lý, lãnh đạo đến từ các bộ, ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo đại điện một số tỉnh, thành phố.

Một số tham luận tập trung làm rõ kết quả bảo đảm từng quyền con người cụ thể như quyền được chăm sóc sức khoẻ, tự do ngôn luận, quyền về an sinh xã hội hay quyền của các nhóm trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Các tham luận cũng đã thảo luận về những thách thức đặt ra đối với việc bảo đảm quyền con người trong quá trình phát triển của Việt Nam, nhằm đạt được sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.

Các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; tăng cường đối thoại và đấu tranh vì quyền con người nhằm góp phần trực tiếp vào công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới.

Thanh Hải