Trong gần 20 năm nay, đã có hàng nghìn người lao động (NLĐ) các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên trong đó có Quảng Bình đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm của Chính phủ Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS). Từ chương trình này, đã có biết bao giấc mơ thoát nghèo thành hiện thực, bao làng quê khó khăn ở các tỉnh miền Trung đã “thay da, đổi thịt” từng ngày.
Một hội thảo vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tổ chức tại TP. Đồng Hới đã phân tích nhiều vấn đề xung quanh các hoạt động đưa NLĐ các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đi làm việc ở Hàn Quốc thông qua chương trình EPS. Những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn đã chỉ rõ những mặt sáng, tối trong bức tranh toàn cảnh này.
Những gam màu sáng
Chi phí xuất cảnh thấp, mức thu nhập cao, môi trường làm việc tốt nên những năm gần đây, chương trình EPS ngày càng thu hút nhiều NLĐ tham gia đăng ký và thi tuyển. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB và XH, từ năm 2004 đến nay, cả nước có gần 126.900 lượt LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, số lượng LĐ các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên chiếm 40%. Từ năm 2017 đến nay, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên có gần 66.800 lượt NLĐ đăng ký dự thi tiếng Hàn, chiếm tỷ lệ 61,6% cả nước. Số lượng LĐ xuất cảnh là 22.480 người, chiếm tỷ lệ 70% của cả nước.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, những chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như EPS đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đặc biệt làm đổi thay bộ mặt của nhiều vùng nông thôn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Ngoài nguồn thu nhập cao, NLĐ còn được nâng cao tay nghề, tự tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, cũng như trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội.
“Lực lượng LĐ này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật LĐ, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Nhiều NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách đã được tiếp cận và tham gia chương trình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội theo chính sách của Đảng và Nhà nước”, Thứ trưởng Nguyễn Khắc Hoan khẳng định.
Là địa phương có nguồn LĐ dồi dào, mỗi năm, Quảng Bình có 3.000-4.000 LĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 3.600 LĐ sang làm việc tại Hàn Quốc thông qua chương trình EPS. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Quảng Bình đã có hơn 500 LĐ xuất cảnh và hơn 1.500 người đăng ký thi mới. Trong đó, số LĐ ngành ngư nghiệp chiếm hơn 50% tổng số LĐ xuất cảnh mỗi năm.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH, điều kiện kinh tế của NLĐ Quảng Bình còn nhiều khó khăn nên việc đưa LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, nhất là trong ngành ngư nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính nhân văn và ý nghĩa sâu sắc. Nhiều LĐ có kinh nghiệm và có tay nghề đi biển đáp ứng được yêu cầu của phía Hàn Quốc. Đây cũng là ngành mà người LĐ có khả năng đậu dễ dàng hơn so với các ngành nghề khác.
Trăn trở
Hiệu quả từ chương trình EPS đã được khẳng định bằng những đổi thay trong bộ mặt nhiều vùng quê nghèo tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng là rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Theo đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ-TB và XH, trong những năm gần đây, phía Hàn Quốc đã triển khai thí điểm tuyển chọn LĐ trong ngành hàn và có xu hướng mở rộng về ngành nghề, cũng như tăng số lượng trong ngành này.
Tuy nhiên, số lượng NLĐ qua đào tạo hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Kỳ tuyển chọn năm 2023, phía Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận 300 người nhưng chỉ tuyển chọn được 196 LĐ. “Vì vậy, trong thời gian tới, việc cần làm là tiếp tục quan tâm, thúc đẩy việc đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu tuyển dụng”, đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước khẳng định.
NLĐ sang Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ làm việc trong 4 ngành, gồm: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp; được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm như NLĐ bản địa, mức lương tối thiểu hiện nay là hơn 2 triệu won/tháng, tương đương khoảng 36 triệu đồng, chưa kể tiền lương làm thêm giờ. Để tham gia chương trình này, NLĐ phải trải qua hai vòng thi tuyển là kiểm tra tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề.
Miền Trung-Tây Nguyên là khu vực có số lượng NLĐ tham gia các chương trình phi lợi nhuận nhiều nhất, đặc biệt là chương trình EPS. Tuy nhiên, tỷ lệ NLĐ hết hạn hợp đồng LĐ không về nước, ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp cũng cao so với các địa phương khác trong cả nước. Đây là một trong những lý do gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bức tranh toàn cảnh, khiến cho nhiều địa phương nằm trong danh sách bị tạm dừng xuất cảnh sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Điều này đã cản trở nhiều ước mơ thoát nghèo của NLĐ tại các địa phương có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.
Nghệ An là một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng NLĐ đi làm việc ở Hàn Quốc với hơn 13.000 lượt xuất cảnh theo chương trình này. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có tỷ lệ LĐ không về nước đúng quy định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đại diện Sở LĐ-TB và XH Nghệ An cho biết, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền cho NLĐ nhằm hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, song song công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý, xử phạt nghiêm minh đối với NLĐ cư trú bất hợp pháp không về nước theo quy định.
Là chương trình trọng điểm, nhân văn, EPS chính là lối mở để NLĐ tại các địa phương hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo. Song song với các giải pháp thúc đẩy đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, các địa phương cũng cần triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ việc làm cho LĐ sau khi hết hạn hợp đồng về nước.