Thực hiện tốt các chính sách về giáo dục vùng đồng bào dân tộc để thúc đẩy kinh tế phát triển
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, giáo dục chính là “chìa khóa”, là một trong những giải pháp quan trọng. Do đó, thời gian qua, Nghệ An luôn chăm lo, chú trọng đến giáo dục, đặc biệt là thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Những kết quả từ chính sách giáo dục đối với vùng dân tộc
Đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS& MN) luôn được Đảng, Quốc hội và Nhà nước quan tâm. Do đó, giáo dục nói chung và giáo dục vùng đồng bào dân tộc đã có những kết quả tích cực.
Đối với Nghệ An, những năm qua, giáo dục của tỉnh đã có bước phát triển, chất lượng giáo dục đại trà ở giáo dục phổ thông đảm bảo ổn định vững chắc, chất lượng mũi nhọn tiếp tục nằm trong “top” đầu cả nước, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT bình quân đạt 95% trở lên và là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào học tập.
Là địa phương có 129.568 học sinh là người DTTS, chiếm 14,49% tổng số học sinh trên địa bàn, trong đó, mầm non có 28.694 cháu, tiểu học có 51.402 học sinh, THCS có 36.190 học sinh và THPT có 13.282 học sinh.
Tỉnh có 91 trường chuyên biệt học dành cho con, em vùng đồng bào DTTS. Tuy còn khó khăn nhưng Nghệ An đã quan tâm và thực hiện tốt các chính sách giáo dục đối với vùng dân tộc. Kết quả, các trường được đầu tư khá đầy đủ từ trang thiết bị dạy học đến khu vực ký túc xá. Học sinh tại đây, được hưởng chế độ theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ và Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009.
Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã được tỉnh Nghệ An triển khai kịp thời, có hiệu quả, tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường học tập, qua đó, góp phần giúp các trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành một số chính sách khác như: Nghị quyết 57/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 quy định khoảng cách, địa bàn và tỷ lệ nấu ăn cho các trường PTDTBT và trường phổ thông nấu ăn tập trung cho học sinh theo; Nghị quyết số 10/2019/NQ- HĐND ngày 12/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú; định mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh nghệ An…
Với việc triển khai các chính sách dành cho học sinh DTTS kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho học sinh người DTTS có cơ hội được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường tốt hơn, nâng bước cho hàng nghìn học sinh dân tộc được đến trường. Góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương.
Ghi nhận tại huyện Quỳ Châu cho thấy, theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, tính riêng năm 2023, tổng số vốn được đầu tư thực hiện tiểu dự án “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường Phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là hơn 15 tỉ đồng.
Ngay sau khi có nguồn bố trí, huyện Quỳ Châu đã tập trung hỗ trợ cung cấp, nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị dạy học cho các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Quỳ Châu, Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Châu Phong, Trung học cơ sở Châu Bình. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất và bồi dưỡng chuyên môn về công tác thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh như: Máy tính, tivi, máy chiếu, tài liệu sách giáo khoa, phần mềm quản lý giáo dục, hệ thống máy lọc nước, thiết bị âm thanh đa đăng cho phòng học ngoại ngữ…
Đặc biệt, thời gian qua, việc xây dựng mô hình trường học bán trú cho học sinh tiểu học ở vùng cao không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mà còn giảm tình trạng quy mô trường lớp manh mún. Là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện mô hình bán trú cho học sinh DTTS ở cấp tiểu học của Nghệ An đến nay đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Điển hình như Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tiền Phong 4 (huyện Quế Phong). Đây là ngôi trường tiểu học bán trú thứ 2 ở Quế Phong có số lượng học sinh là người DTTS đang học tập và ở tại trường khá đông, chiếm 1/3 học sinh toàn trường. Thực hiện mô hình trường bán trú, các em ở tập trung tại trường 5 ngày trong tuần, từ thứ 2 đến thứ 6. Tất cả việc ăn, ở, sinh hoạt và học tập đều do giáo viên trong trường cắt cử nhau thực hiện.
Hay như Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) vừa qua cũng được công nhận là trường bán trú. Theo đó, trường có 67 học sinh là người DTTS được hưởng chế độ theo Quyết định 116 đang ở tại trường liên tục các ngày trong tuần. Ngoài ra, có hơn 150 em, trong đó có cả học sinh ở các điểm lẻ như Phía Khoáng, Khe Nạp chỉ ăn bữa trưa ở trường theo nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm…
Giải pháp để nâng cao chất lượng
Có thể thấy, việc tổ chức mô hình bán trú đem lại rất nhiều hiệu quả. Rõ nhất là các em được chăm sóc đầy đủ, sức khỏe được cải thiện. Ngoài ra, các em được học tập trung, trong môi trường giáo dục tốt, có nhiều cơ hội để giao lưu với bạn bè... Hơn nữa, giảm thiếu tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Học sinh ở bán trú được học 2 buổi/ngày, các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường, việc dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã được chú trọng, chất lượng giáo dục toàn diện có sự chuyển biến rõ nét, vững chắc.
Xác định giáo dục là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển giáo dục đối với dân tộc tại Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn.
Do đó, để chất lượng giáo dục DTTS được nâng lên, thời gian tới, Nghệ An tiếp tục có những chính sách ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung kịp thời các trang thiết bị để phục vụ tối thiểu cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh và của nhà trường.
Trong năm học 2023 – 2024, năm học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, Nghệ An tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp đã triển khai gồm 1, 2, 3, 6,7, 10 và sẽ triển khai mới trong năm học này với lớp 4, 8, 11. Đồng thời, ngành chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đã đề ra 3 nhiệm vụ và giải pháp đột phá; đồng thời, đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phù hợp với từng bậc học, cấp học. Trong đó, nhiệm vụ chính là đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo; chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong nước.