Đời sống xã hội

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thương cảng Vân Đồn cổ

Phú Minh 08/12/2023 - 06:49

Vùng biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên đường hải vận từ Trung Quốc tới Việt Nam. Thương cảng Vân Đồn được lập từ thời nhà Lý thế kỷ thứ 12 và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong thời kỳ của nhà Lê và nhà Nguyễn, kéo dài đến cuối thế kỷ 18. Đây là một trong những cảng quan trọng của Việt Nam thời kỳ đó, đóng vai trò trong thương mại và giao lưu văn hóa với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Hiện nay, tại Đảo Quan Lạn, Vân Đồn vẫn còn dấu tích của thương cảng cổ, tập trung ở các đảo Cống Đông, Cống Tây xã Thắng Lợi, Cái Làng, Cống Cái, Con Quy xã Quan Lạn, trong đó Cái Làng được xác định là trung tâm của thương cảng. Tại khu vực này phát hiện được nhiều mảnh gốm xứ có niên đại khác nhau của cả trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có hệ thống di tích đình, đền, chùa gắn với cuộc sống của ngư dân thương cảng, ngôi miếu cổ thờ vua Lý Anh Tông, người có công lập nên Trang Vân Đồn, giếng Hệu, giếng nước ngọt cổ có từ thời Lý, nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho các tàu buôn trong và ngoài nước.

398-202312071710241.jpg
Hoạt động buôn bán tại thương cảng Vân Đồn thời xưa (ảnh: Tư liệu)

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Một di tích như Thương cảng Vân Đồn cần nhìn nó ở tầm quốc tế và ở tầm rộng hơn là kết nối thương mại bằng con đường trên biển, cũng như hệ thống thương mại đường sông. chính vì thế, cần đặt nó trong phạm vi nghiên cứu rộng lớn hơn. Nghiên cứu cả về hiện vật, cả về di tích, cả về dấu tích bến cảng, dấu tích dân cư, làng xóm, thay đổi về địa lý cảnh quan, từ giai đoạn hình thành cũng như suy tàn của di tích. Bên cạnh những đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, việc bảo tồn phát huy giá trị của di sản, cần được những người dân Quan Lạn chú trọng tiếp nối bảo tồn.

Là một người đã có gần 30 năm sinh sống, gắn bó với Cái Làng, trung tâm của Thương cảng cổ khi xưa, ông Hoàng Thế Yên từng được coi là Rôbinson ngoài đảo, vì có thời gian chỉ có gia đình ông sinh sống trên bến Cái Làng. Ông đã sưu tầm được hàng trăm hiện vật quý ở Thương cảng, từ cốc chén, bát đĩa, lọ gốm, sành sứ đến các đồng tiền cổ, trong đó có cả tiền Ngũ thù.

Ông Hoàng Thế Yên, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn cho biết: Những lớp sành còn tồn tại là những minh chứng về lịch sử, trong thời Lý - Trần hiện vật có rất nhiều, đến thời Đông - Hán thì những cái bát, chén gắn với độ sâu của nó. Có nhiều hiện vật từ cuối triều Trần được nhìn rõ từ những hoa văn trang trí ở trên gốm sứ như: Đồng tiền của Triều Lý, tiền Ngũ Phù được ra đời từ những năm 105 đến năm 220 thời Hàn Bội.

Bộ sưu tập của ông Yên còn có khẩu súng thần công được phát hiện ở khu vực Cái Làng cho thấy cha ông ta luôn ý thức phòng thủ, đảm bảo an ninh quốc phòng tại vùng biển đảo này.

398-202312071710242.jpg
Nhiều mảnh gốm được tìm thấy tại xã đảo Quan Lạn (ảnh: Internet)

Ông Phạm Quốc Duyệt một người dân ở Đảo Quan Lạn, đồng thời cũng là một cán bộ văn hoá của xã Quan Lạn khi xưa, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về văn hoá Quan Lạn, như một người viết sử Làng Biển ông đã cho ra đời cuốn sách Dặm dài Quan Lạn, một cuốn khảo cứu với nhiều tư liệu lịch sử quý giá cho thấy trách nhiệm của ông đối với biển đảo và con người Quan Lạn. Hay Đình Văn Lạn cùng với hệ thống đình, miếu ông Nghè Quan Lạn cũng là những địa điểm đã được ông Duyệt nghiên cứu kỹ càng về quá trình hình thành, sự di dời, biến đổi theo thời gian.

Ông Duyệt đã nghiên cứu các đình, làng chùa Ninh Quang, tìm hiểu gia phả từng dòng họ, hương ước làng xã, sắc phong từ Triều Nguyễn cho đến Duy Tân. Với hành trình miệt mài góp nhặt và trân trọng những giá trị lịch sử của quê hương, ông Duyệt và ông Yên đã góp thêm cho Quan Lạn một gia tài quý giá để lại cho người dân xã đảo và những ai yêu mến vùng đất này.

Thương cảng Vân Đồn được xếp hạng di tích quốc gia năm 2003, nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị Thương cảng Vân Đồn để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, một cuộc hội thảo quy mô lớn đã được tỉnh Quảng Ninh và huyện Vân Đồn tổ chức, có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học Trung ương và địa phương.

Hội thảo nhận được 34 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 4 tham luận của các chuyên gia quốc tế, nhận định với những cảnh quan và môi trường, tài nguyên thiên nhiên, con đường giao thương hàng hải, giao thương kinh tế biển có tính chất niên vùng, các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, giá trị quân sự của Thương cảng Vân Đồn.

Qua ba phiên thảo luận, các nhà khoa học đều có chung nhận định. Thương cảng Vân Đồn đóng vai trò là trung tâm thương mại quốc tế có quy mô lớn, nằm ở giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng, gắn liền với tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình lịch sử. Bên cạnh việc phân tích đánh giá những giá trị lịch sử và những di tích hiện vật còn sót lại, lý giải đến vấn đề phát triển hưng thịnh, cũng như giai đoạn suy tàn của Thương cảng.

Làm thế nào để phát huy lợi thế của một nơi trung tâm giao thương quốc tế bậc nhất trong quá khứ để gia tăng giá trị cho du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với phát huy giá trị di sản đó là một câu hỏi lớn mà các nhà quản lý, các chuyên gia đang đi tìm câu trả lời và bước đầu đã có những gợi mở quan trọng.

Ngày 24/10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 2 di tích của Quảng Ninh đó là Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn cổ và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Trả Cổ ở Thành phố Móng cái

Ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện uỷ Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, Vân Đồn hướng tới phục dưỡng một phần di tích Thương cảng cổ Vân Đồn ngày xưa như: Nhà bảo tàng để chưng bày hiện vật thu thập được trong quá trình tìm kiếm của các chuyên gia khảo cổ, các hiện vật của người dân thu lượm được thời gian qua. Ngoài ra, các sản vật Hải Dương học liên quan đến các loại ở dưới biển, đây cũng là những sản vật có giá trị làm giàu thêm cho Vân Đồn.

Phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo tồn di sản là một hướng đi bền vững trong định hướng phát triển của Vân Đồn với mục tiêu đưa khu kinh tế Vân Đồn một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh sớm trở thành khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao. Một đô thị biển thông minh, xanh, sạch một không gian sinh thái văn hoá tiêu biểu là vùng động lực phát triển kinh tế của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc của đất nước. Vị thế thương cảng có tầm vóc trong lịch sử sẽ là động lực cho Vân Đồn phát triển hôm nay và mai sau.

Phú Minh