Gương sáng

Nghệ nhân Sán Dìu một đời gìn giữ bản sắc dân tộc

Hải Thanh 07/12/2023 - 23:00

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn An, dân tộc Sán Dìu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật dân gian độc đáo của cha ông cho thế hệ trẻ. Với ông, tình yêu và lòng đam mê câu hát Soọng cô là niềm tự hào vô bờ bến và cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Nói về hát dân ca Sán Dìu, nghệ nhân Nguyễn Văn An say sưa kể: Người Sán Dìu lên nương hái chè, lao động sản xuất ngoài đồng ruộng đều hát. Người đồi bên này đưa ra câu hát thì người bên kia lại đối, cứ thế kéo dài cuộc hát mà quên đi sự vất vả lao động, hễ gặp nhau là hát, thậm chí có những cuộc hát bên vệ đường, trên sườn đồi, dưới chợ hay trong ngày hội. Đồng bào hát không cần sân khấu, không có nhạc đệm.

Soọng cô có những sắc thái riêng, theo nhịp điệu, vần vè, làm cho người hát lẫn người nghe rất tình cảm, lưu luyến, có khi muốn hát thâu đêm đến suốt sáng không muốn về. Giọng ca nhỏ nhẹ, êm dịu, dễ nghe và đòi hỏi người hát phải luyến láy lên xống trầm bổng theo từng từ, từng câu. Đặc biệt, hát soọng cô chỉ có song ca, đơn ca mà không có tốp ca. Soọng cô có các thể loại: Hát đám cưới, hát giao duyên, hát mừng nhà mới, chúc tụng...

1701768731066_o-an1.jpg
Ông Nguyễn Văn An vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, lĩnh vực “Nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca Sán Dìu”.

Trải qua nhiều cương vị chủ chốt của huyện như Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND huyện Lục Ngạn, về nghỉ hưu năm 1997, nhưng già An vẫn luôn hăng hái góp sức cùng với đồng bào xây dựng đời sống mới trên quê hương.
Nói về hát dân ca, ông chia sẻ: Từ thuở nhỏ, những lời ru của bà, của mẹ bằng làn điệu dân ca của dân tộc đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Lớn lên, được mẹ truyền dạy hát dân ca rồi cùng thanh niên trong xã rủ nhau đi hát giao duyên nam nữ khắp làng trên xóm dưới.

Năm 2009, ông bắt đầu thành lập CLB dân ca Sán Dìu. Sau một thời gian hoạt động, CLB cũng đã phát huy được rất tốt, sưu tầm được nhiều bài hát cổ truyền, sáng tác được những bài hát mới, đi hát giao lưu trong huyện, trong ngoài tỉnh. Từ đó, truyền đạt lại, quyết tâm cùng nhau giữ gìn bản sắc dân ca.

Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, bảo tồn dân ca Sán Dìu, nghệ nhân Nguyễn Văn An còn sưu tầm, lưu giữ thêm các làn điệu dân ca của các dân tộc khác của Lục Ngạn như dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan, Sán Chí… để thành lập các CLB. Đến bây giờ huyện có tổng 32 CLB của 6 dân tộc anh em, có 9 CLB dân ca Sán Dìu, tạo một khí thế để bảo tồn những nét đẹp văn hóa trong các làn điệu dân ca dân tộc.

Các thành viên tham gia sinh hoạt không phân biệt tuổi tác, có những thành viên ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn hát say sưa và tâm huyết. Có cả những thành viên nhỏ tuổi trước là đi theo ông bà để học hát sau là thành viên chính thức của câu lạc bộ để tham gia biểu diễn trong nhiều dịp giao lưu. Các thành viên trong CLB tích cực sưu tầm các bài hát cổ và tổ chức sáng tác đặt lời mới cho hàng trăm bài hát, làm phong phú thêm cho kho tàng dân ca dân tộc mình, trong đó có nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi công cuộc xây dựng đời sống mới, lên án hủ tục,...

Hầu như các thôn, xóm của huyện đều có các CLB để phát triển văn hóa truyền thống. Hoạt động giao lưu dân ca cấp thôn xã nơi đây được tổ chức rất thường xuyên, mỗi năm đến hơn 10 lần, mỗi lần đến vài ngày mà kinh phí là do các thành viên trong CLB tự đóng góp.

ht.jpg
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy vẫn dành tình yêu và lòng đam mê câu hát Soọng Cô bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Mỗi năm, vào mùa xuân hay dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của dân tộc, các CLB rủ nhau đi hết nơi này qua nơi khác, từ chợ Thác Lười (Tân Sơn) đến chợ Phong Vân, ngược Tân Hoa, Biển Động, Khuôn Thần, Biên Sơn; xuôi Chũ, Lục Nam; lên Sơn Động rồi lại vòng mạn Bắc Lệ, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Văn Quan, Văn Lãng, Kỳ Lừa, Hữu Lũng, Cao Lộc (Lạng Sơn), Tam Đảo, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Bình Liêu, Hoành Bồ (Quảng Ninh)... Mỗi lần tham gia, các thành viên được mở rộng tầm nhìn, được học tập cách tổ chức sinh hoạt các CLB, sưu tầm thêm làn điệu, phương pháp sáng tác, đồng thời qua đó tăng mối đoàn kết gắn bó.

Bao nhiêu năm thầm lặng cùng đồng bào nơi đây xây dựng bản làng vững mạnh, đoàn kết, phát triển những CLB lưu giữ nét văn hóa của nhiều dân tộc, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn An lại rất ngại nói về thành tích của bản thân, bởi con người ông làm nhiều hơn nói, nói một lần mà làm gấp nhiều lần. Thành quả là những CLB hát dân ca do ông dày công xây dựng nền móng và kết nối đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Chia sẻ về những khó khăn trên hành trình lưu giữ bản sắc dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Văn An chia sẻ: “Khó khăn thứ nhất, các bài hát Soọng Cô ngày đó chỉ được viết bằng chữ Hán Nôm nên không phải ai cũng có thể đọc và hát theo được.

Vì vậy, từ khi thành lập các CLB, chúng tôi phải đi hỏi tất cả những người cao niên, những người còn giữ được sách, những người am hiểu dịch ra tiếng phổ thông, biên soạn ghi chép lại rồi có thể hướng dẫn cho mọi người.
Rồi chúng tôi tập hợp những người biết hát dân ca và tổ chức nhiều buổi biểu diễn, động viên mọi người góp sức, góp tiền theo phương châm xã hội hóa để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Cơ bản sưu tầm được 80% dân ca cổ truyền.

Đến nay xã Giáp Sơn chúng tôi có 4 lớp truyền dạy, vẫn vẫn được duy trì vào các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, về việc truyền dạy cho thế hệ trẻ có một số khó khăn, một số chưa thạo tiếng dân tộc, hàng ngày tiếp xúc đều dùng tiếng phổ thông. Vì vậy, vấn đề quan trọng bây giờ để làm sao giữ tiếng nói dân tộc, tập trung bảo tồn tiếng dân tộc mình”.

Với những cố gắng không mệt mỏi của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn An đã được trao tặng nhiều giấy khen và bằng khen về thành tích bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân ca của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Năm 2015, ông Nguyễn Văn An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; tháng 9/2022 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, lĩnh vực “Nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca Sán Dìu”.

Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc trong vùng, nhất là tục hát Soọng cô của người Sán Dìu, từ năm 1996 đến nay huyện Lục Ngạn đã khôi phục và duy trì Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc trong huyện. Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng 2 năm một lần mở Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang để giữ gìn, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh đến với đông đảo nhân dân cả nước. Hi vọng, với những nỗ lực đó, một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu ở Bắc Giang sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy.

Hải Thanh