Độc đáo phong vị tết của người La Chí
Không giống như các dân tộc khác, người La Chí thường tổ chức ăn tết vào đầu mỗi tháng 7 âm lịch hàng năm, gọi là Tết Khu Cù Tê. Đây là cái Tết dân gian lớn nhất và có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc này.
Thịt trâu, rượu hoẵng, bánh chưng đen
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người La Chí ở Việt Nam có dân số 15.126 người, cư trú tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Nhưng tập trung đông nhất ở Hà Giang, Lào Cai và Tuyên Quang. Theo truyền thống của dân tộc này, họ tự coi nhóm La Chí ở bản Díu (Sín Mần, Hà Giang) là anh cả, nhóm La Chí ở bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) là anh thứ 2, còn ở bản Máy (cũng thuộc huyện Hoàng Su Phì) và các vùng đất khác là em út.
Dân tộc này thường định cư trên các vùng núi cao, chủ yếu là phát nương làm rẫy. Vào mỗi dịp tháng 7 âm lịch, tiết trời mát mẻ, công việc của người nông dân ít bận rộn, các trưởng làng thường tụ họp nhau lại cùng tổ chức Tết Khu Cù Tê để tưởng nhớ Tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, đồng thời, truyền lại cho lớp cháu con các bài cúng của dân tộc mình.
Cũng như nhiều dân tộc khác, thời gian ăn Tết và nghi thức cúng bái Tổ tiên của người La Chí ở Hà Giang được ấn định theo lịch âm. Do là “anh cả” nên bản Díu sẽ tổ chức ăn Tết trước tiên, bắt đầu từ ngày 01/7 hàng năm. Rồi sau đó đến bản Phùng, từ ngày 17/7, còn bản Máy ăn Tết sau cùng, bắt đầu từ ngày 01/8. Thời gian ăn Tết của mỗi bản dài hay ngắn do hội đồng già làng, trưởng bản quyết định, nhưng không quá 15 ngày. Nếu năm nào nhuận hai tháng Tư thì cộng dồn, Tết ở bản Díu sẽ được tổ chức vào tháng 6. Các già làng, trưởng bản tại ba bản người La Chí thường xuyên liên lạc để thông báo cho nhau biết thời gian ăn Tết của từng năm.
Việc tổ chức Tết Khu Cù Tê của người La Chí phải tuân thủ những lề luật chung của cộng đồng. Đầu tiên là việc bầu ra người chủ trì lễ cúng. Người được đề cử phải là người đã lập gia đình, đã có con, gia đình hạnh phúc, không vi phạm luật lệ của làng bản, có uy tín trong cộng đồng, trong nhà không có người ốm yếu. Hội đồng trưởng tộc sẽ lấy chân gà khô để xem, nếu chân gà tốt thì người đó mới được làm...
Trước ngày Tết, các hộ gia đình đi phát quang, dọn cỏ ở các ngôi mộ và kính cáo Tổ tiên biết ngày mở Tết, dặn người chết không được đi đâu và chờ trưởng họ mời về ăn Tết. Riêng ở bản Máy, người dân làm việc này vào ngày 03/3 (âm lịch). Các hộ gia đình chuẩn bị nấu rượu uống và rượu hoẵng để cúng. Rượu hoẵng được làm từ gạo nếp, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng (Mạc Hầu, Pở Sẩm, Lạc Nỏa Buộc, Pi Pi, Nắng Kề, Sính Cà, Thủ Ối, Nha Nà Ti, Nhàng Cha Nóc Chỉn, Bác Nhài, Nhạc Thào Lâm, Mạc Ượt). Rượu có màu trắng đục, vị ngọt thơm.
Tuỳ từng năm, ngày Tý hoặc ngày Mùi sẽ được chọn là ngày mổ trâu của cộng đồng (cùng với bánh chưng đen và rượu hoẵng, đây là loại thực phẩm bắt buộc phải có khi cúng tổ tiên), nhà nào có điều kiện có thể mổ thêm ngựa hoặc lợn. Người La Chí quan niệm, “trần sao âm vậy”, nên người sống cúng xôi để tổ tiên có lúa trồng trọt, cúng thịt trâu cho tổ tiên có trâu cày ruộng.
Các gia đình trong dòng tộc thường chung tiền mua một con trâu để mổ, chia đều cho các gia đình, riêng trưởng họ sẽ được đôi sừng. Sừng trâu được rửa sạch hết mùi rồi đem đi phơi nắng, cưa ngắn bớt phần gốc và khoan một lỗ tại đầu nhọn của sừng, xỏ một sợi dây để treo cùng chiếc giỏ và một củ gừng ở gian giữa của ngôi nhà, đó chính là bàn thờ tổ tiên của người La Chí.
Theo phong tục truyền thống của người La Chí, tổ tiên được thờ tính từ 3 đời trở lại, những linh hồn này sẽ được mời về khi cúng tại nhà trưởng tộc của các dòng họ. Các gia đình tập trung tại nhà trưởng tộc, khi đi mang theo một chai rượu, một gói xôi, một miếng thịt. Họ mặc quần áo truyền thống, những người được trưởng tộc chỉ định sẽ ngồi xung quanh một mâm gỗ có các giỏ đựng, gói xôi, gói thịt. Họ giúp trưởng tộc cúng để gọi hồn những người đã mất về ăn Tết.
Khi cúng, trưởng tộc phải bỏ khăn và khấn mời các linh hồn là nam giới trước tiên. Các linh hồn này về sẽ nhập vào những người phụ giúp việc cho trưởng tộc. Khi các linh hồn đã về đông đủ thì trưởng tộc và các linh hồn (nhập vào những người giúp việc) cùng ăn xôi, uống rượu hoẵng, uống nước cà đắng. Chỉ các linh hồn nam giới mới được ăn thịt trâu, thịt lợn muối chua. Riêng thịt trâu dùng để cúng có thể xào với gừng hoặc không kèm gừng, nhưng không được cho rau thơm. Người xào thịt trâu không được nếm trước, nếu không sẽ bị coi là phạm thượng, bị tổ tiên trách phạt.
Xem chân gà định ngày ăn tết
Cũng giống như những “người anh em” của mình ở Hà Giang, người La Chí ở Lào Cai cũng tổ chức Tết Khu Cù Tê vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm. Theo phong tục truyền thống, từ đầu tháng 6, những người đứng đầu trong các làng bản, hội đồng già làng gồm các tộc trưởng của các dòng họ Vương, Long, Lù, Nông tập trung tại nhà già làng để chọn ngày tốt, ngày đẹp thông qua cách tính mười hai con giáp và bằng hình thức xem chân gà để làng tổ chức ăn tết.
Sau khi đã chọn được ngày tốt, già làng sẽ giao nhiệm vụ cho những người giúp việc cho hội đồng già làng đi thông báo cho các gia đình trong bản biết là năm nay làng sẽ ăn tết vào ngày này và kết thúc vào ngày này.
Người La Chí ở Lào Cai thường ăn tết kéo dài từ ngày 01/7 đến 15/7 thì kết thúc. Ngày mồng hai tháng Bảy, các dòng họ trong làng bắt đầu rộn ràng không khí mổ trâu ăn tết. Đây là phong tục truyền thống có từ rất lâu đời, bởi trong ngày tết tháng Bảy của người La Chí không bao giờ được thiếu thịt trâu.
Trước đây, trâu mổ trong tết tháng Bảy thường là trâu của làng, do các hộ gia đình trong làng góp tiền vào mua, sau đó giao cho một - vài gia đình trong làng có trách nhiệm nuôi trâu, đến ngày tết tháng Bảy thì mổ. Sau ngày lễ mổ trâu, các dòng họ đều tổ chức lễ ăn tết tại nhà tộc trưởng của dòng họ.
Sau khi con cháu trong gia đình đến đông đủ, trưởng họ tháo trống, tháo chiêng treo gần nơi bàn thờ tổ tiên, rồi lấy chiếc giỏ tre treo trên bàn thờ tổ tiên xuống, dùng lá chuối lót bên dưới cho mấy miếng thịt trâu đặt vào trong, lấy một miếng lá chuối khác đặt úp lên trên. Ngày tết, các trưởng tộc đều phải làm rượu "hoẵng", đây là loại rượu rất đặc trưng của người La Chí chỉ dùng trong các ngày lễ tết. Rượu hoẵng được lần lượt đổ vào các sừng trâu để trưởng họ làm lễ cúng.
Chuẩn bị xong, trưởng tộc mặc quần áo theo phong tục truyền thống, lưng đeo một miếng da trâu, một tay cầm sừng trâu, một tay cầm một sợi dây treo củ gừng rồi miệng lẩm nhẩm cúng gọi ba đời tổ tiên về ăn tết tháng Bảy với con cháu. Mời xong, ông cầm chén uống hết rượu để làm lý rồi lại tiếp tục gọi người khác. Sau lễ cúng, trống, chiêng nổi lên rộn rã trong suốt những ngày dân làng ăn tết.
Theo lý của người La Chí, sau khi các dòng họ trong làng tổ chức lễ cúng hôm trước thì đến ngày thứ hai, các trưởng tộc của các dòng họ trong làng lại tập trung tại nhà già làng để tổ chức lễ cúng chung của làng. Khi đi, trưởng mỗi trưởng tộc sẽ mang theo một cái sừng trâu, một chiếc giỏ tre, một chai rượu và một ít thịt trâu để làm lý cúng. Khi các trưởng tộc đã đến đông đủ, trưởng tộc sai người giúp việc hạ trống, chiêng treo gần nơi bàn thờ để tổ chức lễ cúng.
Lễ cúng được diễn ra tại gian giữa, dưới bàn thờ tổ tiên của nhà già làng. Các thầy cúng trong hội đồng già làng, thường có 7 người do làng bầu ra thông qua hình thức bói chân gà. Bảy người trong hội đồng già làng là những người đảm nhiệm các phần việc khác nhau trong lễ cúng. Sau khi chuẩn bị xong, già làng là người gõ trống, gõ chiêng báo hiệu cho nghi lễ cúng bắt đầu, những người trong hội đồng già làng ngồi quây thành một vòng tròn trước bàn thờ tổ tiên của già làng để làm lễ cúng.
Khi hành lễ, họ phải ăn mặc chỉnh tề theo đúng phong tục truyền thống, trước mặt đặt một chiếc giỏ bên trong có mấy miếng thịt trâu, một tay cầm sừng trâu, một tay cầm sợi dây treo củ gừng. Già làng là người cúng trước, ông báo cáo với cụ tổ của người La Chí cùng với cụ tổ tiên ba đời trở xuống. Sau đó, các thầy cúng khác trong hội đồng già làng lần lượt cúng mời các vị thần quản lý, cai quản giống cây trồng, vật nuôi, các vị thần cai quản rừng… về ăn tết với dân làng. Sau lễ cúng, mọi người cùng ăn uống vui vẻ.
Ngày “tiễn các cụ đi” thường được tổ chức vào ngày “Dậu” của tháng, con cháu của người La Chí tập trung đông đủ về khu nhà “Khu Cù Tê" được dân làng dựng lên ở giữa làng làm nơi tổ chức lễ cúng và vui chơi của cộng đồng. Ngôi nhà đặc biệt này thường được làm theo kiểu nhà sàn và nó có ý nghĩa rất linh thiêng đối với cộng đồng người La Chí. Nó vừa là nơi “ngự” của các vị thần linh, vừa là nơi hội họp, cúng lễ tổ tiên trong các dịp lễ tết. Với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời như thế nên Tết Khu Cù Tê của người La Chí đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.