Hỗ trợ các hộ nghèo để phát triển chăn nuôi
Xác định thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ngay từ khi triển khai, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện chương trình. Sau hơn 2 năm triển khai chương trình đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực, kinh tế - xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Đồng Văn là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Lô Lô, Sán Chỉ, Tày, Nùng là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Dù điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng huyện Đồng Văn có lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc.
Để thực hiện có hiệu quả, huyện Đồng Văn đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia, tổ giúp việc, cơ chế tổ chức quản lý thực hiện, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn, phát huy vai trò lãnh đạo từ huyện đến cơ sở trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, xã Sàng Tủng được cấp hơn 1,4 tỷ đồng trong đó tập trung vào các dự án, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất, dự án nước hỗ trợ sinh hoạt phân tán, dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững và các dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó có dự án hỗ trợ con giống phát triển chăn nuôi. Dự án này được UBND xã Sảng Tủng chỉ đạo rất quyết liệt, phân công từng thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp phụ trách từng hộ để thực hiện dự án.
Đến nay, mô hình của dự án đã thu được kết quả khả quan, số dê của các hộ gia đình đã tăng trưởng và sinh sản. Các gia đình tham gia dự án rất phấn khởi, đồng tình, ủng hộ vì mô hình này cho sinh lợi nhanh.
Gia đình anh Sùng Pả Chơ thôn Tả Lủng B, xã Sảng Tủng là một trong 25 hộ dân trong thôn được hỗ trợ số tiền theo Dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng với mô hình nuôi dê sinh sản từ chương trình mục tiêu quốc gia. Nhận được tiền, anh Chơ mua 6 dê cái sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, anh luôn được sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn xã. Đến nay, đàn dê của anh đang phát triển rất tốt, trong đàn đã có dê mẹ sinh nở.
Xã Lũng Phìn, có 21 hộ thôn Cán Pẩy Hở A được chọn để thực hiện Tiểu Dự án phát triển chăn nuôi bò. Mỗi gia đình được hỗ trợ tiền để mua con giống,các hộ còn phải cam kết thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn và sự giám sát của chính quyền địa phương.
Chị Sùng Thị Và thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn cho biết: ''Khi thực hiện dự án, tôi đã làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chí của dự án, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thì nhận thấy chăn nuôi theo khoa học có hiệu qủa hơn nhiều. Trước khi thực hiện dự án, tôi cũng đã nuôi bò nhưng nuôi theo truyền thống, chăn thả tự nhiên nên không đạt tiêu chí của dự án''.
Anh Mua Mí Pó, Trưởng thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn cho biết: ''Các hộ rất hào hứng, phấn khởi khi được tham gia dự án, nên lúc mua được bò giống, đều thực hiện công tác tiêm phòng để đảm bảo con giống khỏe mạnh, không bị bệnh. Từ dự án chăn nuôi này, bà con rất hy vọng xóa đói giảm nghèo và nhân rộng chăn nuôi gia súc thành hàng hóa trong thời gian tới''.
Ông Sùng Mí Pó Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn cho biết, quá trình thực hiện, các tiểu dự án đều được triển khai đến tất cả bà con, nhất là dự án chăn nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản, trâu, bò thương phẩm.... Các dự án được triển khai đồng bộ, bên cạnh đó xã còn tuyên truyền cho bà con hiểu về thực hiện chương trình 3 chương trình mục tiêu quốc gia để bà con tham gia và thực hiện.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, xã Lũng Phìn được phân bổ 2,4 tỷ đồng trong đó tập trung vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, cấp ủy chính quyền địa phương và người dân đã tiến hành họp bàn, bình xét trước khi thống nhất triển khai quá trình thực hiện sẽ được theo dõi, giám sát thường xuyên, kịp thời xử lý những tồn tại vướng mắc ngay tại thời điểm thực hiện. Qua quá trình triển khai đến nay, cơ bản các dự án trên địa bàn đã được thực hiện nghiêm túc đúng lộ trình.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân trên địa bàn đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá và mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng đàn gia súc không ngừng tăng dần qua từng năm. Hiện nay, trên địa bàn có hàng trăm hộ gia đình phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo quy mô tập trung. Mỗi năm, cung cấp cho thị trường hàng trăm con trâu, bò, hàng chục tấn lợn, và dê. Có thể nói, trong những năm qua, chăn nuôi gia súc đã có nhiều khởi sắc và trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương.