Giản dị sắc chàm trong trang phục truyền thống dân tộc Nùng
Nếu phụ nữ người Dao, người Thái, người Chăm, người Mông… có trang phục khá cầu kỳ, nhiều màu sắc và chi tiết thì trang phục của phụ nữ người Nùng lại vô cùng đơn giản. Đó là chiếc áo dài nhuộm chàm thuần tuý, không thêu bất cứ hoạ tiết gì lên. Điều này như thể hiện cho tính cách giản dị, đôn hậu của phụ nữ dân tộc Nùng.
Bộ trang phục tuy đơn giản nhưng nó lại mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Nùng không phải là lối tạo dáng mà là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo vải hoa, màu xanh dương bên trong, áo ngoài màu chàm.
Trang phục của người dân tộc Nùng ở các địa phương cơ bản đều giống nhau, chỉ khác nhau về cách phối hợp màu sắc trên cổ áo, tay áo hoặc cách chọn màu vải nhưng cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc Nùng.
Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên là cây chàm, một loại cây trồng khá phổ biến đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và đây cũng chính là loại nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên những bộ quần áo theo truyền thống của người Nùng.
Cây chàm sau khi lấy về sẽ được bà con ngâm nát nhừ với nước và tinh lọc giữ lại phần bột chàm. Phần bột chàm sẽ được hòa với nước theo tỷ lệ riêng của mỗi người nhuộm. Thông thường một mảnh vải tầm 9-10m sẽ được ngâm mỗi lần trong khoảng 1 tiếng sau đó sẽ được mang ra phơi trong khoảng hơn 1 tiếng để tấm vải khô hoàn toàn.
Công đoạn nhuộm vải này sẽ được làm đi làm lại trong khoảng 1 tháng để tấm vải chàm đến đến mầu đen hoặc màu xanh đúng theo yêu cầu. Qua bàn tay khéo léo của các phụ nữ Nùng, những tấm vải được nhuộm và cắt may thành những bộ trang phục vừa vặn với người mặc.
Ngoài ra, trang phục người phụ nữ còn có khăn đội đầu. Khăn quấn đầu của nữ cũng được làm bằng vải nhuộm màu đen, tạo nét duyên dáng, thùy mị. Một phụ kiện không thể thiếu trong trang phục người Nùng là đồ trang sức. Trang sức của người Nùng chủ yếu bằng bạc trắng, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích ở ngang lưng. Theo quan niệm của người Nùng thì bạc trắng không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của con người, kết hợp với việc phô trương sự giàu có mà còn có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho đồng bào.
Có thể nói trang phục truyền thống của dân tộc Nùng không chỉ là sản phẩm vật chất của con người mà trong đó còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Nùng cũng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói chung của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.