Bản sắc văn hóa

Sắp diễn ra Lễ Công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tại Yên Bái

Ngọc Diễm 06/12/2023 - 14:55

Ngày 23/12, tại huyện Mù Cang Chải sẽ diễn ra Lễ Công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn Mông, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ba huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và khai mạc Festival trình diễn khèn Mông, Lễ hội Hoa tớ dày năm 2023.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là di sản đã tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử tộc người, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong đời sống quá khứ và đương đại. Với chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên, Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông nơi vùng cao tỉnh Yên Bái.

capture.png
Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải là di sản văn hóa quý giá của người Mông ở Yên Bái. Ảnh: Tuấn Vũ

Theo truyền thống văn hóa của người Mông thì hầu hết nữ giới từ khi còn là thiếu niên đều học vẽ hoa văn trên vải, khi đến đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này, trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi. Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Đây là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người cũng như các nhóm địa phương tộc người đầu tiên của đồng bào Mông.

Để chuẩn bị cho sự kiện diễn ra tốt nhất, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái đã hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền về sự kiện; tiếp thu, chỉnh sửa khẩu hiệu tuyên truyền theo ý kiến thẩm định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để ban hành văn bản chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền về sự kiện.

Sở cũng xây dựng kịch bản phần lễ trong chương trình khai mạc; dự thảo các bài phát biểu của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh. Tổ tư vấn các chương trình nghệ thuật năm 2023 của Sở đã tiến hành thảo luận các nội dung chương trình nghệ thuật, ma két sân khấu, từ đó, ban hành Văn bản số 1795/VHTTDL-QLVH về việc thẩm định chi tiết kịch bản tổng thể chương trình nghệ thuật, maket sân khấu chương trình nghệ thuật đề nghị UBND huyện Mù Cang Chải nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện kịch bản chương trình để xin ý kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

a-5-173948_14-101206.jpg
Trang phục được vẽ bằng sáp ong. Ảnh: Tuấn Vũ

Tại huyện Mù Cang Chải, mặc dù là huyện vùng cao, dân cư phân tán, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn song huyện đã huy động được hơn 1.200 diễn viên, học sinh, nghệ nhân tích cực tập luyện cho hoạt động diễu diễn đường phố và các hoạt động bổ trợ trong khuôn khổ sự kiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức sự kiện để có một chương trình nghệ thuật hoành tráng nhưng vẫn mang sắc màu văn hoá đặc trưng của người Mông.

Ngoài ra, các hoạt động bổ trợ như: tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; giao lưu, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của người Mông; Hội thi Múa khèn tốp; trải nghiệm giã bánh dày cũng đã xây dựng kịch bản gửi các đơn vị phối hợp xin ý kiến và tổ chức thực hiện theo kế hoạch”.

Để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Trong đó, người thợ chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành, phô diễn hiệu quả tại những sự kiện góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thực hiện Dự án "Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội phối hợp với Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải đến đông đảo công chúng Thủ đô và du khách quốc tế, thu hút nhiều người tham gia trải nghiệm, mua sắm.

Được biết, trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào truyền dạy, phổ biến trong cộng đồng, trong trường học, coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.

Có thể thấy rằng, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải và nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn là di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Mông. Nguồn di sản văn hóa này khi được bảo tồn và phát huy giá trị trở thành yếu tố quan trọng định vị thương hiệu, góp phần quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Yên Bái - điểm đến hấp dẫn, thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ngọc Diễm