Đời sống xã hội

Chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Dương Vân 06/12/2023 - 11:12

Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hỗ trợ tài chính cho nông dân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng chăm sóc, cũng như chia sẻ thông tin áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, bao gồm đồng bộ hóa lịch trình chăm sóc, kiểm soát sức khỏe và ứng dụng công nghệ theo dõi.

6-12.1-anh-nguon-internet.jpg
Anh Nguyễn Tiến Dũng sử dụng bã bia làm thức ăn cho gia súc. Ảnh nguồn Internet

Tham quan mô hình của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng, thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là mô hình chăn nuôi điển hình trên địa bàn được đầu tư từ hệ thống chuồng trại tới việc ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Anh Dũng chia sẻ, hiện gia đình anh có 10 con trâu sinh sản và vỗ béo. Gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại và các trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi, từ khâu xử lý chất thải chăn nuôi tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường mà gia súc được phát triển trong điều kiện tốt nhất. Chú trọng vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng để phòng bệnh cho gia súc.
Anh cũng tự cung cấp thức ăn cho gia súc như trồng cỏ voi, sử dụng những lá, quả tỉa từ vườn cây ăn quả của gia đình và thu gom rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc và ủ ấm khi mùa đông đến. Anh Dũng còn đặt mua bã bia tại các tỉnh miền xuôi để làm thức ăn cho gia súc, bởi theo anh tìm hiểu bã bia giàu protein và chất xơ, thường xuyên cho trâu, bò ăn bã bia sẽ tốt cho dạ dày, thúc đẩy quá trình tiêu hoá, trao đổi chất của gia súc, tốt trong khi vỗ béo và tiêu chảy ở bò. Nhờ đó, gia súc sinh trưởng, phát triển tốt và giá trị kinh hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Dũng.

Để tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường 2 đợt/năm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề hướng dẫn cách xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hoá cho người nông dân về cách phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi an toàn và học cách chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc. Thông qua các nguốn vốn lồng ghép hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc và khuyến khích xây dựng các mô hình, trang trại, nhóm hộ liên kết trong chăn nuôi đại gia súc nhằm từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tại địa phương.

Vận động bà con tận dụng những khoảng đất đồi và chuyển dần các diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi gia súc; đầu tư xây dưungj cơ sở chăn nuôi an toàn. Thông qua các hoạt động khuyến nông xây dựng các mô hình tiêu biểu, có hiệu quả nhằm lan toả và thay đổi nhận thức của người nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi thành trang trại.

Năm 2022, huyện Phong Thổ đã tiến hành phun khử khuẩn 3.192 lít hóa chất với 319,2ha diện tích chăn nuôi được tiêu độc khử trùng; tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ 38.000 liều vắc-xin các loại như: tụ huyết trùng trâu, bò; lở mồm long móng trâu; dịch tả lợn… Từ các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng 1.600m2 chuồng trại, 350m3 hầm bioga; hỗ trợ 49 con trâu sinh sản xây dựng mô hình cho 49 hộ gia đình trên địa bàn các xã: Dào San, Mù Sang, Tung Qua Lìn, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải.

Từ phát triển đại gia súc, đến nay tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn huyện là 43.300 con (đạt 100% so với kế hoạch); tốc độ tăng trưởng đàn gia súc ước đạt 5%/năm; góp phần vào công cuộc giảm nghèo, phát huy lợi thế vùng miền và xây dựng nông thôn mới trên vùng biên giới Phong Thổ.

Dương Vân