Kinh tế

Cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28: Tạo đà để hộ nghèo vươn lên

Hiếu Lam 06/12/2023 - 11:04

Sau hơn một năm triển khai chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 của Chính phủ, nhiều người dân là hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư phát triển sản xuất, có thêm điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhằm hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, chương trình cho vay chuyển đổi nghề là một trong những chương trình được triển khai có hiệu quả, góp phần tạo thêm nguồn lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

snapedit_1701825874461.jpg
Người dân xã Tân Lập phát triển mô hình nuôi bò từ nguồn vốn ưu đãi

Nỗ lực triển khai

Thực hiện Nghị định 28 của Chính phủ, NHCSXH được giao thực hiện 5 chương trình cho vay, trong đó, tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chương trình cho vay chuyển đổi nghề là một trong các chương trình được triển khai, thực hiện hiệu quả nhất (sau chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở).

Để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp để triển khai. Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để nguồn vốn nhanh chóng đến đối tượng thụ hưởng, chi nhánh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các huyện rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng, đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách đến các cấp, ngành và người dân biết để thực hiện và tiếp cận nguồn vốn đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Chi nhánh đã chỉ đạo sát sao phòng giao dịch NHCSXH các huyện, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tham mưu UBND huyện phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách vay vốn làm cơ sở triển khai cho vay theo quy định.

Để triển khai tốt chương trình cho vay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, đặc biệt là các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản hỗ trợ các tổ viên thông qua việc bình xét những hộ có đủ điều kiện, đồng thời tư vấn cho các hộ lựa chọn các mô hình kinh tế bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại các hộ gia đình cũng như từng địa phương. Từ đó, giúp các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn này có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng cho biết: Để triển khai cho vay hiệu quả chương trình, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và phối hợp với các phòng, ban có liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn, tổ chức hội nhận ủy thác rà soát đối tượng thụ hưởng, đẩy mạnh truyên truyền chương trình cho vay kịp thời đến người dân. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, phòng giao dịch đã giải ngân cho 46 hộ vay với số tiền 3,7 tỷ đồng.

Sau khi giải ngân cho vay, phòng giao dịch NHCSXH các huyện chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn.

Theo Nghị định 28, đối với cho vay chuyển đổi nghề: Khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích trang trải chi phí học nghề, chuyển đổi nghề (chi phí mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác). Mức cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ (hiện nay là 100 triệu đồng/hộ); lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ (hiện nay là 3,3%/năm); thời hạn cho vay tối đa 10 năm.

Tiếp thêm nguồn lực cho hộ nghèo

Với những cách làm hiệu quả, tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đều triển khai cho vay hiệu quả chương trình. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 trên địa bàn tỉnh đạt trên 17,6 tỷ đồng với 242 hộ vay vốn.

Những ngày cuối tháng 11/2023, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Vi Thị Anh, thôn Suối Mạ B, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng trong lúc gia đình chị đang bận rộn phát cỏ cho rừng bạch đàn. Chị Anh phấn khởi cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có diện tích đồi rừng lớn nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Trong lúc đang tìm nguồn vốn, tháng 6/2022, tôi được cán bộ NHCSXH huyện tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 để đầu tư trồng rừng.

Có vốn, gia đình tôi đã cải tạo đồi rừng và trồng được hơn 3.000 cây bạch đàn, có thêm nguồn lực để chăm sóc 2.000 cây bạch đàn đã trồng từ năm 2016. Chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lên đến 10 năm nên gia đình tôi rất vui mừng và yên tâm tập trung phát triển kinh tế, hiện toàn bộ diện tích rừng đều phát triển tốt, đặc biệt, tháng 11/2023 vừa qua, gia đình tôi khai thác một số diện tích rừng trồng từ năm 2016 và thu được trên 100 triệu đồng. Đây là động lực để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.

Cũng được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ chương trình chuyển đổi nghề theo Nghị định 28, gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ, thôn Cầu Hin, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn đã có vốn để đầu tư chăn nuôi bò. Ông Sĩ cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/2023 vừa qua, gia đình được cán bộ Hội Nông dân xã và NHCSXH huyện hướng dẫn làm hồ sơ vay 90 triệu đồng để chuyển đổi nghề, phát triển chăn nuôi bò. Nhờ được vay vốn ưu đãi của ngân hàng với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm nên gia đình tôi rất phấn khởi, yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới, hiện nay, gia đình tôi đã mua được 5 con bò sinh sản, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt.

Cùng với 2 hộ trên, thời gian qua, chương trình cho vay chuyển đổi nghề đã kịp thời “tiếp sức” cho nhiều hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh để họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, đối tượng vay vốn chương trình là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Nguồn vốn từ chương trình đã giúp các hộ nghèo chuyển đổi nghề để đầu tư trồng rừng; chăn nuôi gia súc…

Có thể thấy, chương trình cho vay chuyển đổi nghề đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có vốn để chuyển đổi nghề, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn để tiến hành giải ngân kịp thời.

Hiếu Lam