Đời sống xã hội

Giá trị văn hóa trong những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ ở Bắc Kạn

Thúy Hạnh 05/12/2023 - 15:27

Trải qua hàng nghìn năm sinh sống, nhà sàn là nơi hội tụ những kiến trúc văn hoá độc đáo, di sản văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ ở Bắc Kạn. Cùng với tốc độ đô thị hóa, điều kiện kinh tế-xã hội thay đổi, khiến kiến trúc nhà ở truyền thống dần mai một. Trước nguy cơ đó, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều dự án nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ những ngôi nhà sàn cổ.

5-12.1.png
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày

Hướng tới mục tiêu triển khai, thực hiện hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Kết quả kiểm kê, đánh giá, tỉnh hiện còn 9.294 nhà truyền thống. Trong đó, nhà sàn có 8.681 nhà, nhà trình tường của dân tộc Dao có 8 nhà, nhà đất dân tộc Tày là 605 nhà. Nhìn chung, còn hơn 90% là nhà của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Sán Chỉ. Để bảo tồn, lưu giữ bản sắc và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 3319/UBND-GTXNXD giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho các địa phương bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện Đề tài: “Giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà truyền thống” của các dân tộc địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Thôn Khau Cưởm, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông có tổng số hơn 70 hộ dân, nhưng có tới 90% số hộ vẫn còn giữ được nhà sàn truyền thống này. Ngôi nhà sàn của ông Hoàng Văn Chí, dân tộc Tày ở thôn 2, Khau Cưởm, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, được xây dựng từ thập niên 70 của thế kỷ trước, đến nay đã hơn gần 50 năm trôi qua nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo của ngôi nhà sàn cổ của dân tộc Tày.

Ông Hoàng Văn Chí cho biết: “Đời xưa ít người, ít nhà, nên phải làm nhà sàn để phòng tránh thú dữ. Vì nhà sàn cao, có cầu thang. Đêm sợ các con thú rừng như rắn, hổ… thì kéo thang lên. Ở nhà sàn vừa thoáng mát, lại để được nhiều hàng hóa nông sản không bị ẩm mốc, bị hỏng, nên dân tộc chúng tôi thích ở nhà sàn”.

Để làm được ngôi nhà sàn truyền thống, bà con người Tày, Nùng, Sán Chỉ đã phải chuẩn bị rất kỹ về nguyên, vật liệu về ngâm trong ao từ 2 đến 3 năm. Sau đó, để khô và bào, đục đủ một bộ cột của ngôi nhà. Họ phải tích trữ, gom gỗ 5 đến 7 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới đủ vật liệu để làm một ngôi nhà sàn ưng ý. Tổng chi phí cho ngôi nhà sàn truyền thống ước chừng hơn 300 triệu đồng.

“Nếu để dồn được số tiền này thì khó lắm, mà tôi thì đi làm thuê nên có được đồng nào thì mua vật liệu đồng đấy, để dành bao giờ đủ thì mới làm được”, anh Hoàng Văn Nich thôn Khuổi Bẻ chia sẻ. Thôn Khuổi Bẻ là một trong ít thôn người Sán Chỉ ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm còn giữ lại được những ngôi nhà truyền thống. Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Bẻ nói: “Tuy nhà sàn nhiều như thế nhưng chưa có hộ dân nào vi phạm pháp luật về rừng”.

Ông Dương Văn Hồi, Bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể chia sẻ: “Nhà sàn ngày xưa của chúng tôi có cái bếp ở trong nhà, chính giữa ở bàn thờ, cửa ra vào góc nhà. Ngày nay xã hội phát triển, nhà sàn đã có ít nhiều thay đổi, nhà sàn được giải bằng ván, không giải tre, nứa như ngày xưa nữa. Nhà bếp để ở cạnh nhà và làm riêng ra, muốn làm dịch vụ du lịch nhà sàn phải làm như thế mới sạch sẽ. Du khách đến làng văn hóa du lịch Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể mục đích là để khám phá nhà sàn của dân tộc địa phương”.

Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, PGS,TS Lâm Bá Nam cho biết: “Để bảo tồn được những ngôi nhà truyền thống, quan trọng nhất phải từ chính đồng bào các dân tộc. Muốn bảo tồn thì cần vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu về bản sắc văn hóa qua những ngôi nhà truyền thống của dân tộc tộc mình. Việc bảo tồn cũng phải gắn liền với nhu cầu và đời sống hiện nay. Khi xây dựng, người dân có thể thay bằng những nguyên vật liệu mới. Tuy nhiên, vẫn phải giữ được hồn cốt, không gian sinh hoạt văn hóa bên trong ngôi nhà. Bên cạnh đó, khi bảo tồn nguyên vẹn nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thì nên xây tại các khu du lịch, làng văn hóa. Để từ đó, giúp người dân vừa bảo tồn, vừa tạo ra thu nhập thông qua việc thu hút khách tham quan”.

5-12.2.png
Bắc Kạn hôm nay

Bà Hoàng Thị Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Hiện nay, nhà sàn ở tỉnh Bắc Kạn đã ít nhiều thay đổi về mặt kiến trúc và vật liệu, không còn nhiều những ngôi nhà sàn cổ như ngày trước. Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương để khôi phục, bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống. Vừa giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, vừa phát huy được giá trị của di sản, phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương”.

Dù đã trải qua mọi biến cố của thời gian, nhưng nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn vẫn mãi trường tồn, cùng với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ ở Bắc Kạn cũng chính là góp phần thực hiện có hiệu quả nội dung tinh thần Nghị quyết TW 5 (khóa 8) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc, dân tộc.

Việc lưu giữ được những ngôi nhà sàn cổ của bà con dân tộc Tày, Nùng, Sán Chỉ ở tỉnh Bắc Kạn như hiện nay, chính là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của đất nước./.

Thúy Hạnh