Văn hóa

Độc đáo Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê

T.Thành - N.Dương - P.Minh 05/12/2023 10:42

Trong cộng đồng 54 dân tộc, người Ê đê là những cư dân có mặt lâu đời ở miền Trung và Tây nguyên với nhiều nét văn hoá truyền thống đặc trưng. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, tao loạn, song dân tộc này vẫn bảo lưu và gìn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền, làm phong phú thêm cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của Việt Nam.

Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, dân tộc Ê Đê có 398,671 người, sống chủ yếu tại các tỉnh Đắc Lắk, Gia Lai và miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Dân tộc này có 5 nhóm địa phương chính, đó là nhóm Ê Đê Kpă, cư trú quanh thành phố Buôn Ma Thuột; nhóm Ê Đê Adham, cư trú tại huyện Krong Buk, Cu Mgar, thị xã Buôn Hồ, Krong Năng và một phần Ea Hleo của tỉnh Đắc Lắc; nhóm Ê Đê Mdhur, cư trú ở huyện Mdrak, phía Đông tỉnh Đắc Lắk, huyện sông Hinh của tỉnh Phú Yên.

_pt_4520.jpg
Lễ cúng trưởng thành là một trong những nghi lễ quan trọng trong cuộc đời của một người đàn ông Ê Đê

Còn nhóm Ê Đê Bih cư trú ven hai con sông Krong Ana và Krong Kno của tỉnh Đắc Nông; nhóm Ê Đê Krung cư trú chủ yếu ở huyện Ea Hleo và Knong Buk của tỉnh Đắc Lắc. Ngoài ra, còn một số nhóm địa phương khác như Blo, Dong Mak, Hwing… Tuy nhiên, các nhóm địa phương này không có nhiều sự khác biệt, nhất là quan niệm về thần linh và các đấng tối cao.

Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã đề cao tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh theo quan niệm của dân tộc này rất đa dạng và hiện hữu trong mọi sự vật, hiện tượng. Vì vậy, trong hầu hết các lễ nghi cũng như lễ hội của người Ê Đê, người ta đều thấy bóng dáng của các vị thần.

Lễ hội và lễ nghi của người Ê Đê cũng được chia thành nhiều “mảng, miếng”. Ví dụ lễ nghi nông nghiệp thì có lễ cầu mùa, lễ cầu mưa…; còn nghi lễ vòng đời thì có lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả,...

_pt_4517.jpg
Chàng trai được bố mẹ đưa đến gặp thầy cúng nhờ làm Lễ cúng trưởng thành

Do sống giữa đại ngàn, quanh năm suốt tháng phải chống chọi, đối mặt với muôn vàn hung hiểm đến từ rừng xanh núi đỏ, từ thiên nhiên hà khắc, thế nên người Ê Đê từ thuở sơ khai đã luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống. Điều đó được thể hiện ở nhiều bài thuốc cũng như những món ăn bổ dưỡng còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay.

Và, cũng chính vì tôn trọng sự sống, quan niệm mỗi sinh linh ra đời là sự ban phát điềm lành của các vị thần dành cho các cặp vợ chồng, nên người Ê Đê có rất nhiều lễ nghi liên quan đến vòng đời của một con người. Từ khi sinh ra cho đến khi hết cõi, một người Ê Đê có khi trải qua 7 hoặc 9 lần làm lễ để cầu phúc, cầu bình an, hạnh phúc.

Trong số các lễ nghi vòng đời của người Ê Đê thì Lễ cúng trưởng thành (tiếng Ê Đê gọi là Mpú Tôh-Kông) là một nghi lễ hết sức quan trọng, bởi nó đánh dấu, khẳng định từ thời điểm này người đàn ông chính thức được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng.

Lễ tổ chức to hay nhỏ, thời gian làm lễ ở độ tuổi trưởng thành sớm hay muộn, cúng từ 1 lần hay 5 lần trong 5 ngày, lễ vật cúng là gà, heo hay trâu, 1 ché rượu hay nhiều ché rượu còn tuỳ thuộc vào điều kiện từng gia đình. Lễ cúng thường do cha mẹ, hoặc người thân tổ chức, với sự tham gia của dòng họ, buôn làng.

_pt_4477.jpg
Đồ lễ trong Lễ cúng trưởng thành

Lễ cúng trưởng thành nói riêng cũng như các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua các nghi lễ này, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì, các trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê.

Để tổ chức Lễ cúng trưởng thành, người mẹ (Amí) và người bố (Ama) sẽ đưa người con trai của mình đến nhờ thầy cúng làm lễ giúp. Sau khi thầy cúng đồng ý thì đôi vợ chồng sẽ chuẩn bị đồ tế lễ.

Trước khi thực hiện nghi thức cúng lễ, thầy cúng sẽ kiểm tra đầy đủ lễ vật rồi đổ nước vào 07 chóe rượu thật đầy và bắt đầu làm Lễ tháo Kồng bằng lời khấn: “Hỡi các vị Thần! Tôi gọi Thần hướng Đông, Thần hướng Tây, Thần hướng Nam, Thần hướng Bắc, Thần trời, Thần đất … Thằng Y Quan (tên của chàng trai được làm Lễ cúng trưởng thành) sáng hôm qua, ngày hôm kia ở chòi đã yên, về nhà được lành, biết làm ra lúa, nay đã lớn khôn, trồng chuối chuối chín, trồng mía mía ngọt, trồng cây cà phê trĩu quả…

_pt_4522.jpg
Thầy cúng kiểm tra đồ lễ

Nay Y Quan nhờ các vị Thần giúp cho sức bền như gang, dẻo như đồng, cứng như sắt, con người luôn mạnh khoẻ, bình an, đi đến đâu có người đón, người chào, cho cơm ăn, rượu uống, người trên coi như em, nguời dưới coi như là người anh tốt…’’.

Cùng với lời khấn nguyện của thầy cúng, các nghệ nhân trong buôn cũng sẽ tấu lên bài chiêng Mpú - bài chiêng dùng trong các Lễ cúng trưởng thành.

Sau khi khấn xong, thầy cúng mời mọi người thụ lộc. Người được mời ăn đầu tiên là người được cúng trưởng thành, tiếp đến là người mẹ (Amí) sau đó là người bố (Ama) và mọi người cùng dự lễ (mọi người theo thứ tự trên 7 lá chuối đã được bày sẵn).

Sau đó, thầy cúng sẽ làm phép để người được cúng trưởng thành múa khil. Thay mặt thần linh, thầy cúng trao cho chàng trai khil và kiếm. “Từ nay con đã là người trưởng thành, hãy thể hiện là một chàng trai dũng mãnh, biết vung kiếm, rung Khil để chống đỡ, bảo vệ, thị uy những thế lực xấu làm hại buôn làng’’, nghe xong lời thầy cúng, chàng trai sẽ múa khil 3 lần xong thì đến nghi thức mời rượu.

_pt_4555.jpg
Thay mặt thần linh, thầy cúng trao cho chàng trai khil và kiếm

Trong nghi thức mời rượu, đội chiêng tiếp tục đánh bài Mpú, còn thầy cúng lần lượt mời từng người tham gia uống rượu. Sau đó chàng trai đứng lên nói lời cảm tạ đến các vị Thần, đến thầy cúng và dân làng đã tham gia, chứng kiến lễ trưởng thành của mình…

Có thể nói, trong quá trình cư trú lâu dài tại Tây Nguyên, với sức sáng tạo văn hóa không ngừng, cư dân Ê Đê đã làm nên những đặc thù riêng về văn hóa, thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội. Vốn văn hóa dó không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa tộc người mà còn có giá trị đối với văn hóa cộng đồng và của cả dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố như kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của người Ê Đê đã có nhiều thay đổi, nghi lễ vòng đời người vì thế cũng có sự biến đổi thích hợp trên những giá trị văn hóa mới phù hợp với sự phát triển chung, phát huy những yếu tố tích cực, tạo sức mạnh và động lực nội sinh duy trì bản sắc văn hóa tộc người. Đó là điều hết sức đáng mừng.

Dưới đây là một số hình ảnh về Lễ cúng trưởng thành do các nghệ nhân người Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk tổ chức:

img_6387.jpg
img_6399.jpg
_pt_4552.jpg
_pt_4567.jpg
_pt_4545.jpg
_pt_4598.jpg

T.Thành - N.Dương - P.Minh