Đao đao - nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú
Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khơ Mú, múa là phần không thể thiếu. Nó gắn liền với các nghi thức, lễ hội: Cúng bản, cầu mưa, cầu mùa, mừng cơm mới, cũng như trong mỗi cuộc vui. Và chính những đạo cụ, nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa đã làm nên nét đặc trưng riêng cho những điệu múa Khơ Mú.
Có thể kể đến đàn tre không dây (Đao đao) – loại nhạc cụ phổ biến nhất, được làm từ những ống nứa, khi gõ sẽ tạo thành chuỗi âm kép rung vọng, lúc thầm thì, lúc vang xa. Đạo cụ này bắt nguồn từ dụng cụ đuổi chim khỏi về ăn hạt lúa giống trong mùa tra hạt.
Đao Đao từ lâu luôn có mặt trong mọi sinh hoạt của người Khơ Mú vùng núi phía Bắc. Được làm từ một ống nứa, nguyên liệu tự nhiên gần gũi và gắn bó thân thuộc với đồng bào trong cuộc sống hàng ngày, đao đao vốn là 1 công cụ sản xuất vô cùng sáng tạo của người Khơ Mú.
Chính vì ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú là dạng nhà sàn, mái lợp cỏ gianh - loại thực vật sinh trưởng mạnh mẽ, che phủ tốt khi phơi khô và liên kết với nhau bằng tre, nứa và lạt. Đo gianh, chải gianh là công việc thường xuyên, gắn liền với việc làm nhà, bảo dưỡng mái nhà của đồng bào. Ống nứa nhỏ này được đồng bào sử dụng trong quá trình kết gianh làm mái nhà là một dụng cụ hữu dụng, kết tinh tri thức dân gian qua quá trình lao động lâu dài.
Để chế tác loại nhạc cụ này, những người phụ nữ phải vào rừng chọn lựa những cây nứa thẳng, đẹp và không quá già. Một đầu bỏ mấu, giữ lại thân ống nứa, một đầu giữ lại phần mấu, người ta đục 02 lỗ nhỏ nằm ở hai bên đối xứng nhau, khi đánh ngón tay cái đặt lên phần lỗ ở thân trên, ngón tay trỏ hoặc ngón giữa đặt ở vị trí lỗ phía bên dưới để điều chỉnh âm thanh, giai điệu khi múa tăm đao.
Đao đao là nhạc cụ tự thân vang, được làm bằng một ống nứa có đường kính trung bình từ 3 - 4cm, chiều dài khoảng 40 - 50cm. Phần đầu của nhạc cụ, người ta khoét và cắt hai miếng đối xứng nhau dài khoảng 20cm. Khi diễn tấu, tay phải sẽ cầm phần dưới của nhạc cụ đập phần đầu của nhạc cụ vào lòng bàn tay, âm thanh vang lên từ đó.
Tiết tấu của đao đao tạo nhịp cho các bước đi kết hợp với động tác của đôi bàn tay, của cơ thể tạo thành một điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào Khơ Mú. Khi diễn tấu, người ta có thể dùng chiêng và trống đệm theo.
Bà Mè Thị Thi bản Phiêng Trai, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Xưa kia cuộc sống ông bà, tổ tiên chúng tôi đơn giản lắm. Cứ thiếu vật dụng, đồ dùng gì là lên rừng bẻ tre, bẻ nứa về làm. Rồi trong quá trình làm, cầm thân cây gõ, thổi… thấy tạo thành âm thanh hay, vui tai thì mang vào sử dụng trong các điệu múa. Lâu dần, dựa theo nhu cầu, cảm thụ của mỗi người mà chỉnh sửa, chế tác rồi mới hình thành các loại nhạc cụ, đạo cụ như bây giờ”.
Cái hay là các loại đạo cụ này có thể biến tấu theo nhu cầu người sử dụng, chứ không nhất nhất theo khuôn khổ. Một số sản phẩm được sử dụng trực tiếp trong múa như là đạo cụ. Song cũng có thể được coi là nhạc cụ tạo ra âm nhạc để dẫn dắt người múa theo nhịp điệu, tiết tấu riêng.
Đồng bào Khơ Mú cũng tìm được cách bảo quản đao đao hết sức độc đáo. Với loại làm bằng nguyên liệu tươi, nó được ngâm vào nước sạch hoặc để vào chỗ có dòng nước chảy. Loại làm bằng nguyên liệu khô, nó được bỏ vào trong một chiếc ống tre hay nứa có đậy nắp, gác lên nơi cao ráo. Để khắc phục tình trạng tách thêm của hai khe và điều chỉnh độ hở của hai khe - tạo độ ngân, độ vang tốt nhất cho đao đao, đồng bào buộc sợi dây len hay sợi tóc trên thân đao đao.
Không chỉ mang những nét độc đáo và được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng do việc chế tác và tìm kiếm nguyên liệu cũng như cách diễn tấu đơn giản, đao đao còn kết tinh trong nó những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Ngày nay, trong các ngày vui bản, vui mường của đồng bào Khơ mú hay các hội diễn văn nghệ quần chúng đều có tiết mục trình diễn đao đao, thu hút được nhiều người đến xem cổ vũ. Khi biểu diễn nhạc cụ truyền thống “hưn mạy” thường có 8 đến 10 người vừa múa, vừa gõ đi theo vòng tròn hoặc các động tác di chuyển ngang dọc, làm không khí lễ hội thêm sôi động, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Theo thời gian, điệu múa tăm đao gắn với nhạc cụ đao đao được bà con dân tộc Khơ mú luôn gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và là nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng.