Hỏi đáp pháp luật

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Khánh Vy 03/12/2023 12:39

Bạn đọc Lục Văn Lý ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hỏi: Thời gian qua, Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã triển khai rộng khắp trên cả nước. Tôi xin hỏi nội dung cụ thể của nội dung trên?

Thực tế, tảo hôn và HNCHT để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, nhất là với các gia đình đồng bào DTTS&MN. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Trẻ em sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực. Tảo hôn và HNCHT vừa là nguyên nhân và cũng là hậu quả của sự nghèo đói, phát triển thiếu toàn diện. Chính vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; nhân rộng các mô hình điểm can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

z4016987620283_d444da50537a5440a4987e5320215bd3.jpg
Ảnh minh họa

Vì vậy, đây là một nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN 2021-2030, Giai đoạn 1 (2021- 2025), đã xác định: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS&MN nằm trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9Tiểu dự án 2.

Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với nội dung “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” quy định cụ thể:

Mục tiêu cụ thể

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của ĐBDTTS góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS&MN, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Thứ hai, trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa – xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng ĐBDTTS&MN vào năm 2025.

Thứ ba, đặt mục tiêu giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Thứ tư, đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS&MN.

Đối tượng hỗ trợ

Nhóm vị thành niên, thanh niên là người DTTS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Nhóm phụ nữ và nam giới người DTTS thuộc các nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong vùng ĐBDTTS&MN.

Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS.

Nội dung hỗ trợ

Thứ nhất, về công tác truyền thông:

1. Biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.

2. Tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và trong vùng ĐBDTTS&MN.

3. Tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật, hôn nhân, kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Thứ ba, duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Thứ tư, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện Dự án.

Thứ năm, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Mô hình, Dự án và thực hiện các chính sách.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, hy vọng rằng tảo hôn và HNCHT sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, góp phần thực hiện có hiệu công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay; nhất là tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Khánh Vy