Hà Giang nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao
Những năm qua, công tác xóa mù chữ được tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ.
Qua xóa mù chữ, nhiều người dân vùng cao dễ dàng hơn khi tiếp cận các thông tin mới để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng chính sách của nhà nước, đó là 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần. Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Tày, Dao, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu… trình độ dân trí nhiều nơi chưa cao.
Với trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều thôn đặc biệt khó khăn khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhiều thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức nan giải do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động chính của gia đình. Vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản. Một số người do lớn tuổi nên tâm lý của một số học viên còn e dè, xấu hổ khi đi học.
Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ.
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo; ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Điều đặc biệt ở Hà Giang là công tác xóa mù chữ ngoài ngành giáo dục còn nhận được sự phối hợp của nhiều đơn vị như bộ đội biên phòng, công an, hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng…
Các lớp học dành cho người lớn tuổi sáng điện mỗi tối đã không còn xa lạ ở các bản vùng cao trong tỉnh. Các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ liên tục được mở đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho người dân. Ngành giáo dục thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể có nhiều biện pháp huy động các đối tượng trong độ tuổi tham gia các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Hà Giang huy động được gần 8.300 người tham gia học xoá mù chữ (giai đoạn 1 là 4.179 học viên; giai đoạn 2 là 4.112 học viên). Số người được công nhận đạt chuẩn biết chữ là 2.250 người.
Tính đến tháng 6/2023, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ (đạt chuẩn mức độ 1 là 28; mức độ 2 là 165).
Từ năm 2013 - 2023, số người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ đạt 97,87%; số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt 94,42%.
Duy trì bền vững thành quả xóa mù
Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ vẫn còn cao. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn…
Để duy trì kết quả đã đạt được ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Trước mỗi năm học mới các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có kế hoạch, phân công đội ngũ giáo viên đến từng địa bàn dân cư để huy động học sinh đến trường, đến lớp. Nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, xã hội, bộ đội biên phòng, cộng đồng có trách nhiệm tham gia công tác xóa mù chữ; duy trì, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở làm nền tảng vững chắc cho công tác xóa mù chữ.
Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức có liên quan tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt và phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đối tượng người học. Phát huy vai trò của các Trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Tổ chức lớp xóa mù chữ tập trung ở các địa bàn thuận lợi. Nỗ lực duy trì và phát triển kết quả đã đạt được.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Hà Giang có 817 trường, trung tâm với 265.830 học sinh các cấp. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 64,1%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,96%; tỷ lệ huy động học sinh 6 -14 tuổi đến trường đạt 99,16%.
Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; 80% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.