Đời sống xã hội

Làng chiếu Định Yên - Miệt mài gìn giữ di sản quốc gia

Thanh Hải 03/12/2023 - 07:11

Hàng trăm năm qua, bao thế hệ người làng Định Yên vẫn miệt mài bên khung dệt để tạo nên những chiếc chiếu mịn mạng, bền chắc, rực rỡ sắc màu. Họ đang cùng nhau gìn giữ nghề quý của cha ông, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Làng nghề dệt chiếu Định Yên nằm ở cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với nghề dệt chiếu nổi tiếng cách đây gần một trăm năm. Các sản phẩm chiếu Định Yên rất phong phú, đa dạng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước và rất được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

z4936956034338_4d88cc148064b918c3e99dfc3c370554.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Loan và bà Lê Thị Nở (xã Định An) chi sẻ đã theo nghề làm dệt chiếu từ lúc 10 tuổi cho đến nay. Trong gia đình bà, nghề dệt chiếu đã được truyền 3-4 đời: "Nghề dệt chiếu cũng là thu nhập chính của gia đình, mặc dù thu nhập một ngày chỉ 150.000-200.000 đồng, nhưng ai nấy trong nhà đều vui vẻ theo nghề truyền thống này".

Ở làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy những sợi lát màu sắc sặc sỡ treo khắp đường đi; tiếng khung dệt kêu lạch cạch, lách cách từ đầu thôn đến cuối xóm nghe rất vui tai, ấm áp… Từ người già cho đến người trẻ, kể cả những em mới chín, mười tuổi ở Định Yên cũng biết dệt chiếu. Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và nhất là lòng yêu nghề.

z4936989263255_00593b8b9cbd21ba51782f4d7bd7644a.jpg
Để hoàn thành một chiếc chiếu, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn, trong đó công đoạn đầu tiên là chọn lác-nguyên liệu chính.

Nghề dệt chiếu dù không cho thu nhập cao nhưng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương nên ở Định Yên có tới hơn 70% hộ dân theo nghề làm chiếu. Tuy thăng trầm, vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu nơi đây trở thành làng nghề truyền thống có hơn trăm năm tồn tại và phát triển này.

Hiện tại xã Định Yên còn khoảng 700-800 hộ tham gia các hoạt động liên quan đến nghề dệt chiếu, trong đó có 431 hộ chuyên làm nghề. Hằng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại như chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ…

Nếu như trước đây, để dệt một chiếc chiếu thành phẩm thường cần có 2 người, thì ngày nay, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 1 người để xỏ lát là đủ. Năng suất từ đó cũng tăng từ 5-7 lần. Do đó, cả làng chiếu này giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Mặc dù đã được sự hỗ trợ từ máy móc, nhưng để hoàn thành được một chiếc chiếu, một số công đoạn vẫn phải cần tỉ mỉ và sự khéo tay của những nghệ nhân, thứ mà không một loại máy móc nào có thể thay thế được. Điều đó làm nên nét đặc biệt của sản phẩm truyền thống này.

z4936946251185_e3e3341fca20a6e4656b00cb5c1beac9.jpg
Những sợi lác mang đi phơi nắng từ 30 phút đến một tiếng trước khi nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… .

Khi nhắc đến làng chiếu Định Yên là phải nhắc đến chợ “ma” ở nơi đây. Nhìn từ phía xa, trong ánh sáng lập lòe của những ánh đuốc, bóng người qua lại trong màn đêm giống như những bóng ma. Nếu trên bờ có rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ chen nhau dưới ánh đuốc thì dưới bến, ghe, xuồng của cả trăm người buôn chiếu từ các tỉnh đến chọn hàng cũng kề nhau san sát. Thông thường, mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm, mua chừng 500-1000 chiếc là nhổ neo, đi bỏ mối hoặc bán lẻ khắp vùng sông nước Cửu Long, còn người bán chiếu bán xong chiếu thì trở về tiếp tục công việc hàng ngày.

z4936944017364_4d76d06cdd1add2e6b0d16016d82c41d(1).jpg
Một người làm chiếu lâu năm ở làng Định Yên say sưa kể chuyện về "chợ ma".

Giờ đây khi đến với làng chiếu Định Yên, chúng ta không còn thấy không khí nhộn nhịp của “chợ ma” ngày nào. Do hệ thống giao thông đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy thế nét văn hóa của “chợ ma” ngày xưa vẫn còn sống mãi trong tâm thức của những người dân Định Yên cũng như những du khách đã được tham gia phiên “chợ ma” dù chỉ một lần trong cuộc đời.

Đang ngồi dệt chiếu trên khung dệt thủ công truyền thống, bà Nguyễn Thị Kim Loan (xã Định An) chia sẻ, bà đã có trên 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu. Hiện nay, bà là một trong số ít những người ở làng chiếu vẫn dệt chiếu theo phương pháp thủ công. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt.

z4936958660920_0ada469600a314f9c607b9d6ef82bfdc.jpg
Chiếu làm thủ công khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm, phối hợp ăn ý.

Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Khi dệt chiếu, cần 2 người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn.

Trải qua nhiều biến động, có những lúc tưởng chừng làng nghề dệt chiếu đã hoàn toàn biến mất. Nhưng chính lòng yêu nghề và sự quyết tâm bám trụ với cái nghề cha ông truyền lại, những nghệ nhân nơi đây đã không ngừng lưu giữ, đổi mới và sáng tạo để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa của làng nghề trăm năm tuổi. Nhờ vào sự yêu nghề đó mà việc sản xuất của làng nghề được cải thiện, cái nghề vẫn giữ, việc sản xuất chiếu cũng diễn ra như trước có khi năng suất tăng hơn trước do bây giờ những nhà dệt chiếu bằng tay không còn nhiều chủ yếu là sản xuất bằng máy móc hiện đại. Năng suất tăng lên gấp 3 gấp 4 lần, thu nhập của người dân cũng được cải thiện.

Chính những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng đặc sắc này mà làng nghề dệt chiếu Định Yên đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được mọi người công nhận và tôn vinh. Tuy nhiên, làng nghề hiện nay lại chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, việc gắn kết để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của làng nghề lại chưa được khai thác hiệu quả dẫn đến việc làng nghề vẫn mãi chỉ là một điểm đến của riêng Đồng Tháp.

z4936971071889_9be68e5f8428f1facca2b6508564586b.jpg
Các sản phẩm chiếu Định Yên rất phong phú, đa dạng.

Do vậy, để việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu Định Yên phục vụ hoạt động du lịch đạt được kết quả cao cần phải có nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cần những chính sách phát triển thiết thực của địa phương trong thời gian tới. Cần tăng cường và kêu gọi đầu tư vào công tác bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến về hình ảnh của làng nghề, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, cần đề ra các biện pháp nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề. Phát triển làng nghề luôn coi trọng và gắn liền với bảo tồn gìn giữ tài nguyên nhiên nhiên và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Thanh Hải