Đời sống xã hội

Người cán bộ Chơ Ro hết mình vì văn hóa dân tộc

Thúy 02/12/2023 - 16:15

Thời gian qua, anh Đinh Tèo, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội thuộc phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Định Quán, luôn nỗ lực vận động, giúp đỡ hộ nghèo khó khăn và đặc biệt khó khăn. Anh còn được nhiều người biết đến như một “hạt nhân”, điển hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Định Quán là một huyện của tỉnh Đồng Nai có 29 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú. Nhiều dân tộc sống thành từng vùng, đoàn kết gần gũi với nhau nên vẫn giữ được nét cơ bản về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

1-12-23.jpg
Luyện tập cồng chiêng ở Phú Túc

Khi còn làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, anh Đinh Tèo người dân tộc Chơ Ro thường xuyên tuyên truyền, vận động và kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân tổ chức các Lễ hội Yangcoi, Yang bơnơm cho đồng bào Châu Mạ ở khu phố Hiệp Nghĩa một cách an toàn, hiệu quả, được đông đảo người dân tham dự. Ngoài ra, anh còn vận động các mạnh thường quân được hơn 100 phần quà, trị giá 30 triệu đồng ủng hộ các hộ đồng bào dân tộc khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang sinh sống tại thị trấn Định Quán vào dịp lễ, Tết Nguyên đán.

Thực hiện tốt Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Cuối năm 2020, được điều động về nhận nhiệm vụ mới với chức danh Trưởng phòng VHTT huyện Định Quán, anh Đinh Tèo đã phát huy hết mình vai trò của người đứng đầu. Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết trong công việc, anh chú trọng quan tâm đến phát triển văn hóa cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số..

anh-1-12.jpg
Anh Đinh Tèo - Tấm gương tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở xã Túc Trưng (Định Quán, Đồng Nai)

Nói về công việc mình phụ trách, anh Đinh Tèo chia sẻ: “Để xây dựng, tổ chức và phát huy tốt các hoạt động văn hóa dân tộc thì vai trò của những người làm công tác văn hóa cơ sở là rất quan trọng. Muốn duy trì và phát huy văn hóa dân tộc trong lớp trẻ thì cần phải hiểu rõ tâm lý và thời điểm thích hợp để hướng dẫn các em. Bởi, thế hệ trẻ bây giờ thường thích nhạc vui, sôi động nên họ ít quan tâm đến nhạc dân tộc. Vậy nên, muốn lưu truyền lại bản sắc văn hóa dân tộc qua việc mở lớp nhạc cụ truyền thống cho học sinh người dân tộc Khmer, thì phải đợi đến lúc các em nghỉ hè vào chùa học thêm. Khi ấy, người làm công tác văn hóa cơ sở phải nhờ các sư trong chùa truyền dạy mới có thể đạt được hiệu quả cao”.

1-12-nguoi-can-bo-cho-ro-het-minh-vi-van-hoa-dan-toc.jpg
Diễn xướng cồng chiêng tại lễ hội Sayangva

Trong giai đoạn hội nhập để phát triển, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hết sức quan trọng. Để duy trì các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện, trong đó có 05 lễ hội như: Yang coi, Yang bo nơm, Sayangva, Tạ tài phán và Lồng tồng, anh Đinh Tèo kêu gọi, vận động và triển khai các lớp nhạc cụ dân tộc. Lớp nhạc cụ truyền thống ngũ âm nâng cao cho 20 học viên người Khmer thị trấn Định Quán; Lớp đàn tính và hát then cho 30 học viên người Tày xã Thanh Sơn; Lớp cồng chiêng cho 20 học viên là người Chơ ro xã Túc Trưng; Lớp dạy đánh cồng chiêng cho 30 học viên người Mường xã Phú Túc.
Đồng thời, anh cùng bộ phận chuyên môn lên kế hoạch khôi phục lại Lễ hội văn hóa của người Mường ở xã Phú Túc. Bên cạnh đó, anh cũng tham mưu và đề xuất thành lập các câu lạc bộ như: Hát then, đàn tính, đờn ca tài tử, hát múa dân ca, hát chèo... tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, đã lập được trên 10 câu lạc bộ, sinh hoạt thường xuyên tại các nhà văn hóa ấp.

Anh Đinh Tèo cho biết: " Để giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Chơ ro qua đội nghệ nhân cồng chiêng của xã Túc Trưng, huyện sẽ nỗ lực tiếp tục tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn đáp ứng việc truyền đạt loại hình văn hóa phi vật thể này cho thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất. Không chỉ văn hóa cồng chiêng của người Chơ ro mà cả người Châu Mạ trên địa bàn".

Âm thanh cồng chiêng gắn liền với các điệu múa và được người Chơ ro sử dụng nhiều vào các ngày lễ hội quan trọng, như: Sayangva, cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu... tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Con cháu những người Chơ ro ngày nay có cuộc sống khác biệt nhiều so với ông cha trước kia. Họ là những cô giáo, anh bộ đội, người nông dân, công nhân, hàng ngày phải sống và làm việc xa làng, bản. Vì thế, già làng người Chơ ro thường hát bài: "Dặn con cháu", với mong muốn thế hệ sau có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Hiện nay, các em đã có kiến thức cơ bản về nhạc cụ, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đồng chí Đinh Tèo là một cán bộ nhanh nhẹn, năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm cao với công việc. Ở vị trí nào, đồng chí cũng luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Là một cán bộ đầy nhiệt huyết với văn hóa dân tộc, anh Đinh Tèo là tấm gương tiêu biểu góp phần vào thành tích chung trong tiến trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thúy