Gương sáng

Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Thái

Thanh Hải 02/12/2023 - 07:38

Cho dù cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo sự tiến bộ, hiện đại của các nhạc cụ âm nhạc, song những âm vang từ đàn nhị, đàn tính, tiếng khèn, sáo... sẽ còn vang mãi và không thể thay thế, bởi vẫn còn đó những nghệ nhân luôn trăn trở với mong muốn lưu giữ, bảo tồn nhạc cụ dân tộc cho thế hệ sau này.

Nghệ nhân Tòng Văn Hỏa (67 tuổi), hiện trú tại bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi (Tp. Lai Châu) đã có ngót 55 năm gìn giữ, chế tác, nghiên cứu và truyền dạy chơi đàn tính tẩu, đàn nhị, trình diễn và truyền thụ những âm điệu độc đáo cho các thế hệ con cháu. Tâm nguyện của ông là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu giữ và phát triển.

Chia sẻ về duyên gắn bó với những chiếc đàn nhị, ông kể: “Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu học chơi đàn nhị, đàn tính tẩu, vì yêu thích mà theo đi khắp nơi vừa đàn hát, vừa học hỏi kinh nghiệm trình diễn và chế tác đàn. Có cảm giác dường như mỗi lần những âm điệu vang lên là làng bản như bừng sáng, vui tươi, rộn rã, khiến dân bản yêu quê hương mình nhiều hơn. Cứ thế ngày này qua tháng khác, những giai điệu âm nhạc đó ngấm vào ông từ khi nào cũng không rõ. Càng tìm hiểu lại càng đam mê nên đàn nhị, đàn tính đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi”.

z4933211348494_657b2b4ce632d481b6e05eb1dbfbffff.jpg
Nghệ nhân ưu tú Tòng Văn Hỏa.

Năm 1972, ông được tham gia Tổ ca nhạc của Đài Phát thanh Khu tự trị Tây Bắc chuyên hòa tấu nhạc cụ dân tộc phát trên chương trình ca nhạc của Đài. Năm 1975, ông chuyển công tác về Phòng Văn hóa thị xã Sơn La, được giao nhiệm vụ khôi phục văn nghệ quần chúng cơ sở. Như “cá về với nước”, không quản ngày đêm, mưa gió, ông cất công xuống các bản, truyền dạy cho những người đam mê cách kéo đàn, chế tác đàn nhị...

Năm 1980, khi nghỉ công tác về địa phương, ông lại được xã giao làm đội trưởng đội văn nghệ của xã. Rồi được xã cử đi học lớp chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất nhạc cụ dân tộc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh năm 2001.

Với khả năng thẩm âm tinh tế, cùng với niềm đam mê học hỏi, nghệ nhân Tòng Văn Hỏa trở thành một người chơi đàn tính có tiếng của bản, của xã. Cầm trên tay chiếc đàn tính tự chế tác, ông say sưa nói: Đối với đàn nhị hay tính tẩu, khi biểu diễn phải tì sát mạn sườn trái, tay phải cầm cung nhị kéo tác động vào dây và ống, tay trái bấm phím tạo ra âm điệu, cung bậc.

Để có cây đàn đẹp, âm hay, khi chế tác đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, cầu kỳ. Đàn nhị gồm: Ống nhị, cần nhị, trục dây, cử nhị và cung vĩ. Ống nhị được làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 13cm, một đầu được bịt kín bằng da con cóc, đầu còn lại đục thành nhiều lỗ nhỏ để âm thanh thoát ra, đây là bộ phận có tác dụng khuếch đại âm thanh của đàn. Cần nhị (cán nhị) dài 80cm, được cắm xuyên qua ống nhị. Có 2 trục dây, gắn xuyên qua cần nhị và nằm cùng hướng với ống nhị; muốn tạo âm cao hay trầm bằng cách vặn trục dây. Có 2 dây nhị được làm bằng dây cước, dây lớn nằm trong và dây nhỏ nằm ngoài...

ong.jpg
Ông mong muốn được mở một lớp dạy nhạc cụ dân tộc tại nhà, để truyền thụ cho giới trẻ.

Còn tính tẩu có 3 bộ phận chính: Bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang được làm bằng nửa quả bầu. Nghệ nhân lựa chọn quả bầu già, lấy ruột ra và ngâm nước 1 tuần rồi rửa sạch, phơi khô, sau đó ngâm vôi khoảng 2 - 3 ngày để không bị mọt. Kích cỡ tùy theo quả bầu lớn hay nhỏ để có độ vang, âm sắc chuẩn người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng xẻ mỏng và được khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm. Cần đàn được làm bằng gỗ nhẹ và thẳng (dài khoảng 1,3m), phần dưới của cần đàn xuyên qua bầu vang, còn phần trên cùng là đầu đàn uốn cong hình lưỡi liềm và có 2 dây đàn bằng dây cước... “Làm nhị mất khoảng 2 ngày, còn tính tẩu khoảng một tuần. Sau khi hoàn thiện cây đàn, tôi lại kéo một điệu then và hát để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn” – Nghệ nhân Tòng Văn Hỏa cho biết.

Trong cuộc đời ông Hỏa, cây đàn nhị đã trở thành vật bất ly thân trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong các mùa lễ, hội. Tuy nhiên giờ đây, giới trẻ hầu như không còn quá quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, nhạc cụ dân tộc, điều đó khiến ông Hỏa khá trăn trở và nghĩ cách để duy trì, lưu giữ nét văn hóa của người Thái thông qua tiếng đàn nhị, đàn tính. Từ mong muốn ấy, ông đã truyền dạy lại cho con cháu mình trước tiên, sau đó ai có đam mê ông sẵn sàng chỉ dạy để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

z4933212242122_712c5512ec3a632c22e557b501133828.jpg
Mỗi tháng ông chế tác 100 chiếc đàn nhị, đàn tính tẩu.

Mỗi tháng, ông Hỏa chế tác được khoảng 100 chiếc đàn nhị và đàn tính tẩu. Đàn của ông được bán cho những người có nhu cầu trong bản, trong xã hoặc khách du lịch, các sản phẩm được đi triển lãm ở các hội chợ, triển lãm.

Những người đang theo học có người ở cùng bản, có người ở khác đến. Vì đam mê nhạc cụ dân tộc mà tìm đến ông để được ông truyền dạy, song để học được thành thạo cách sử dụng những nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, đàn nhị không phải chỉ học một vài ngày là biết sử dụng mà cần một quá trình dài mới mới có thể kéo nhị.

“Những kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết tích lũy bao nhiêu năm qua, tôi luôn sẵn lòng truyền lại cho con cháu và những người yêu thích nhạc cụ dân tộc. Muốn gắn bó, chế tạo được các nhạc cụ như đàn nhị, đàn tính… Đầu tiên, tôi sẽ hướng dẫn cho họ sử dụng thật tốt nhạc cụ, sau khi thẩm thấu được cái hay của nhịp điệu mới thêm yêu cái giá trị văn hóa của dân tộc. Khi đó, mới chế tạo được những nhạc cụ mang lại âm thanh, chất lượng tốt; góp phần quan trọng để gìn giữ và bảo tồn giá trị tốt đẹp của dân tộc”. - Nghệ nhân Tòng Văn Hỏa chia sẻ.

Ông Leo Văn Doan, 40 tuổi cũng ở bản Cóng Nọi cho biết, từ nhỏ cũng đã đam mê tiếng đàn nhị, nhưng giờ mới có điều kiện học hỏi từ bác Hỏa. Học được đàn nhị, đàn tính tẩu để tham gia vào các lễ tết, cưới hỏi của người Thái.

Em Cầm Chí Kiên, 12 tuổi cũng ở bản Cóng Nọi, là cháu ruột của ông Hỏa, từ bé đã được ông truyền cảm hứng với những âm thanh du dương của cây đàn nhị. Em nói: Em rất thích tiếng đàn nhẹ nhàng, êm tai này. Cứ sau giờ học, rảnh rỗi em lại qua nhà ông nghe đàn và học cách chơi đàn, vừa được nghe ông giảng giải về những nét đẹp của văn hóa truyền thống nên em thêm hiểu và yêu bản sắc dân tộc mình hơn.

Yêu âm nhạc và mong muốn nhạc cụ dân tộc không bị mai một, ông Hỏa ấp ủ mở một lớp dạy nhạc cụ dân tộc tại nhà, để truyền thụ cho giới trẻ những âm điệu độc đáo, những nét đẹp văn hóa dân tộc, khơi dậy ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc của con cháu trong gia đình và lớp trẻ trong bản, trong xã.

Với sự đam mê, tâm huyết trong bảo tồn văn hóa và những đóng góp cho cộng đồng, năm 2012, ông Tòng Văn Hỏa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong 20 năm xây dựng Đội văn nghệ quần chúng tỉnh Sơn La; tháng 3 năm 2019, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Sơn La và cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc...

Có thể thấy, với lòng nhiệt huyết của mình, những nghệ nhân như nghệ nhân ưu tú Tòng Văn Hỏa luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, để tiếng nhị, tính tẩu luôn vang mãi trong đời sống tinh thần của người dân. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc.

Thanh Hải