Văn hóa

Di sản sống và phát triển bền vững

Thanh Hải 01/12/2023 - 23:24

Sáng 01/12, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng Anh phối hợp với Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội thảo với chuyên đề "Di sản Văn hóa sống và Phát triển bền vững".

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều, một Chương trình của Hội đồng Anh nghiên cứu những cách thức sử dụng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Sự kiện cũng đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, di sản văn hóa phi vật thể hay “di sản sống” có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.

Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tới nay, sau 20 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam.

2908508f5ac3b39dead2(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Việt Nam vinh dự 2 lần trúng cử là thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết sau khi được ghi danh- bà Lê Thị Thu Hiền cho biết.

“Sau 18 năm tham gia Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai”, PGS, TS Lê Thị Thu Hiền khẳng định.

Nội dung hội thảo giới thiệu các chiến lược về di sản văn hóa với phát triển bền vững, chiến lược của Hội đồng Anh về di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều... Các khách mời, chuyên gia đưa ra một số ví dụ điển hình về di sản văn hóa và phát triển bền vững trên thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Bà Dona McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật và những tri thức bản địa, ăn sâu vào văn hóa dân tộc. Với mục tiêu khám phá sự giao thoa giữa di sản phi vật thể và phát triển bền vững tại Việt Nam, tập trung vào vai trò và sự tham gia của cộng đồng, hội thảo này là một diễn đàn mở ra thảo luận giữa những người làm chính sách, chuyên gia và những người thực hành di sản văn hóa".

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức giới thiệu sự kiện “Kết nối di sản” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 7/12, tại nhà Hữu Vu, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ngoài ra, người dân và du khách còn có thể tham gia các buổi chia sẻ giới thiệu về âm nhạc truyền thống Ba Na và Chăm lần lượt diễn ra từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút ngày 2 và 3/12 tới.

Thanh Hải