Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Lào Cai đã thực hiện hiệu quả công tác “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Các mục tiêu, kế hoạch được xây dựng cụ thể, triển khai đồng bộ đến toàn thể các cấp hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Chỉ một chiếc máy xát gạo nhỏ đã làm thay đổi cuộc sống của nàng dâu Phà Đo Sơ. Cô không còn phải còng lưng bên cối gạo mỗi ngày và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con và bản thân mình. Sơ cũng được gặp gỡ bạn bè, được trò chuyện tâm sự buồn vui trong cuộc sống.
Sơ tâm sự: ''Chị Su, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn đã cho em nhiều lời khuyên hữu ích trong cuộc sống gia đình, trong đối nhân xử thế, đối với bố mẹ chồng. Suy nghĩ của em cũng thay đổi hơn nhiều so với khi xưa, không còn gò bó vào chuyện gia đình nhiều nữa. Em cũng có thêm những trải nghiệm cho bản thân mình và trong cách chăm sóc con cái''.
Ở thôn Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phụ nữ người Mông thường lấy chồng rất sớm, sau đó cả cuộc sống của họ chỉ gắn bó với việc ruộng nương, gia đình, chồng con. Nhưng bây giờ tư duy của chị em đã có nhiều thay đổi. Điển hình có chị Thào Thị Lan, người phụ nữ Mông đầu tiên phát triển kinh tế bằng mô hình làm du lịch homestay. Những thiệt thòi về học vấn đang được cô gái này quyết tâm khắc phục bằng việc học thêm ngoại ngữ để hỗ trợ cho việc kinh doanh và tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Chị Thào Thị Lan cho biết: ''Có những đoàn khách nước ngoài đi du lịch họ vào đông, mình không biết tiếng anh cũng rất bất tiện. Nhờ máy điện thoại dịch mãi cũng không được nên em cảm thấy biết ngoại ngữ rất là quan trọng. Nhất là đối với công việc của em đang làm.
Em muốn học để biết nhiều hơn, trải nghiệm và tích luỹ cho mình, bổ trợ cho công việc. Với lại, khi đi giao lưu ở bên ngoài thì mình niềm nở và vui vẻ hơn, hoà đồng với cộng đồng khi mình có đầy đủ kiến thức truyền thống''.
Những chuyển biến trong nhận thức dù là nhỏ ở chị em phụ nữ vùng cao không phải một sớm một chiều. Đồng hành với chị em phụ nữ còn có các tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi được thành lập hầu khắp các bản làng, giúp chị em hiểu biết hơn, tự tin hơn, xây dựng và lan tỏa tinh thần bình đẳng và tiến bộ trong cộng đồng.
Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa cho biết: ''Như ở xã Tả Van, Ngũ Chỉ Sơn có khoảng 15 chị em phụ nữ là những tuyên truyền viên tích cực. Bản thân họ là những đối tượng kết hôn sớm, sinh con sớm trước độ tuổi quy định nên họ hiểu được những khó khăn, vất vả của chị em phụ nữ khi kết hôn sớm và sinh con sớm.
Cộng với những trải nghiệm đã qua của bản thân, các chị ấy là những người hơn ai hết, thấu hiểu hoàn cảnh của chị em phụ nữ. Chỉ có học tập, nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo mới có thể thay đổi được cuộc sống, thay đổi được bản thân. Đến nay, chúng tôi đã có những chân rết như vậy để làm công tác tuyên truyền, vận động, rất hiệu quả''.
Khi nút thắt dần được xóa bỏ, phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai đã dần tìm được chính mình, tự tin làm chủ gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội. Trong các mô hình phát triển kinh tế hiện nay có hàng vạn mô hình phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp do chị em làm chủ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đời sống tinh thần rất nhiều Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng đang phát triển rộng khắp với sự chủ động tham gia hào hứng của chị em phụ nữ.
Bình đẳng giới thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ là mục tiêu lâu dài và khó khăn bởi vấn đề tư tưởng, nhận thức xã hội và tồn tại mang tính lịch sử. Từ nhiều năm nay, cấp ủy chính quyền các cấp trong tỉnh Lào Cai đã dành sự quan tâm đặc biệt để xóa bỏ bất bình đẳng giới, tạo môi trường bình đẳng, thậm chí tốt hơn cho chị em phụ nữ có điều kiện phát triển bản thân ""đảm việc nước, giỏi việc nhà''.
Những người đàn ông cũng dần thấu hiểu, chia sẻ với một nửa của mình trong công việc cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ. Anh Lâm A Hà, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà chia sẻ: ''Gia đình tôi phát triển mô hình du lịch homestay. Trước khi vợ tôi đi tham gia lớp tập huấn về du lịch vẫn không tự tin, tôi khuyên vợ đi để học hỏi về làm dần dần sẽ tốt thôi. Bản thân tôi giúp được việc gì thì giúp như đưa con đi học, nấu cơm giặt giũ, vợ bận thì tôi làm hết''.
Có được sự sẻ chia từ gia đình và cộng đồng, vai trò của chị em phụ nữ ngày càng được khảng định. Theo thống kê từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai, hiện nay có trên 18.400 đảng viên nữ, chiếm 36,15% trong tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ; nữ lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt trong các tổ chức chính trị ở địa phương là 73 người, tại các Sở, ban ngành là 11 người; công tác quy hoạch bồi dưỡng cán bộ nữ ngày càng được chú trọng giúp tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng qua mỗi nhiệm kỳ, đặc biệt trong môi trường giáo dục và khoa học đội ngũ tri thức của tỉnh đang tăng mạnh trong những năm gần đây, nhiều người có học hàm học vị và có uy tín khoa học cao.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào Cai cho biết: Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai tập trung nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” đã được thành lập, khuyến khích, huy động sự tham gia của nam giới vào các mô hình này. Nâng cao nhận thức về định kiến, chống phân biệt đối xử về giới và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Trong giai đoạn phát triển mới hôm nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, thậm chí cả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị em phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động. Đó là cơ sở để phụ nữ Việt nam nói chung, phụ nữ Lào Cai nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống tự tin tỏa sáng, khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của mình trong mỗi mái ấm gia đình và trong sự nghiệp phát triển của quê hương đất nước.