Hỏi đáp pháp luật

Bảo đảm quyền lợi y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Khánh Vy 30/11/2023 - 20:36

Bạn đọc Vàng A Pao ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang hỏi: Ở nước ta, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại địa phương, với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi muốn hỏi, y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ như thế nào?

Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để DBDTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Đồng thời, tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng ĐBDTTS&MN.

Thứ nhất, xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng ĐBDTTS&MN

1. Đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm y tế huyện.

2. Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn

3. Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế.

4. Đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế.

5. Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản.

6. Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm.

cham-soc-suc-khoe-1671362024390320663809.jpg
Ảnh minh họa.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

1. Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội vùng ĐBDTTS&MN.

2. Đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh.

3. Ổn định và phát triển dân số của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng ĐBDTTS&MN, khu vực biên giới.

4. Nâng cao năng lực quản lý dân số.

5. Phòng chống bệnh Thalassemia tại vùng ĐBDTTS&MN

Thứ ba, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc

1. Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS.

2. Chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em.

3. Tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em

Bộ Y tế vừa có dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản. Đây là nhóm nhân lực được đánh giá cao trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng ĐBDTTS&MN.

Nội dung dự thảo nêu rõ nhiệm vụ làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản là: tuyên truyền, hướng dẫn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vận động vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, tiêm phòng uốn ván khi mang thai, đến cơ sở y tế để sinh đẻ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi.

Đồng thời, tuyên truyền các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai phải đến ngay cơ sở y tế; tuyên truyền nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách cho trẻ bú và ăn bổ sung hợp lý và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 05 tuổi.

Khánh Vy