Hòa An tâp trung tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian vừa qua, huyện Hòa An (Cao Bằng) đã chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) bằng hình thức sân khấu hóa. Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân và gia đình, hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Có mặt tại Hội thi tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 do huyện Hòa An tổ chức tại xã Quang Trung, chúng tôi thấy không khí sôi nổi, hào hứng của các đội thi và học sinh, bà con trên địa bàn xã đến xem và cổ vũ. Cùng với các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, mỗi đội mang đến 1 tiểu phẩm vui, hóm hỉnh.
Những người nông dân chân chất, hằng ngày quen với việc lên nương rẫy, nay đứng trên sân khấu trong vai trò diễn viên, tuyên truyền viên với những vở kịch tự biên, tự diễn xoay quanh câu chuyện của những người dân quê lam lũ, như: nhà ông Páo ở xóm Khuổi Khoang là hộ nghèo muốn con gái lấy chồng sớm để có thêm tiền; chuyện nhà ông Chương ở Đông Sằng có con gái đang học cấp 2 nhưng đòi nghỉ học lấy chồng vì quen bạn trai qua điện thoại; nhà anh Dử ở xóm Pàn Kèng sinh con 1 bề, chồng có tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, vợ muốn con gái yêu con của cô ruột; chuyện về những bản làng không tảo hôn để cùng xây dựng nông thôn mới...
Mỗi tiểu phẩm mang yếu tố bi - hài, dễ hiểu, dễ tiếp thu, không chỉ đem lại tiếng cười mà chuyển tải rõ những thông điệp về tác hại, hệ lụy TH&HNCHT; các chính sách, pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các chủ trương, chính sách về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, bình đẳng giới vùng DTTS; chăm sóc, giáo dục trẻ em…
Em Nông Thị Kim Chi, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Quang Trung chia sẻ: Ở trường em vẫn có một số bạn đã qua tuyên truyền nhưng vẫn tảo hôn, vận động đi học rồi lại nghỉ tiếp nên các thầy, cô giáo rất buồn. Em thấy tảo hôn là trái pháp luật khi mình chưa đủ tuổi kết hôn và không thể tự nuôi bản thân, nuôi con nhỏ.
Chị Sùng Thị Lý, xóm Pàn Kèng, xã Quang Trung cho biết: Xóm nhiều năm nay không có tình trạng tảo hôn, các ban, ngành, đoàn thể xóm tuyên truyền để người dân hiểu không cho con lấy vợ, lấy chồng sớm sẽ vi phạm pháp luật. Đến tham dự hội thi, ai cũng phấn khởi tập luyện các tiểu phẩm, rất vui được giao lưu, học hỏi với các xóm để nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình.
Anh La Thanh Dương, xóm Cốc Phja, xã Quang Trung bày tỏ: Tham gia cuộc thi tôi hiểu rõ hơn về TH&HNCHT. Là người chủ gia đình, mình phải có trách nhiệm đối với con cái và xã hội. Bản thân tôi mong rằng mỗi người góp sức để loại bỏ tệ nạn nạn TH&HNCHT.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ có 1 cặp kết hôn cận huyết thống là người dân tộc Mông, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ở một số dân tộc trong vùng DTTS, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì với con chú, bác. Giai đoạn 2015 - 2023, trên địa bàn huyện có 33 cặp kết hôn, tảo hôn cả vợ và chồng đều là dân tộc Mông (chiếm 0,87% tổng số cặp kết hôn), riêng năm 2022 có 5 cặp tảo hôn, chủ yếu tại xã Quang Trung.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Đàm Thế Trang cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, tuyên truyền về TH&HNCHT bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, thông qua hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, các cuộc họp xóm, lồng ghép triển khai các chính sách, giao lưu văn hóa, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, người có uy tín; ngoại khóa truyền thông tại trường học... nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Vì vậy, hình thức sân khấu hóa thông qua Hội thi tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT tại các xã tập trung đông đồng bào DTTS, nhất là dân tộc Mông đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân tiếp cận từng tình huống cụ thể, nâng cao nhận thức sẽ hiệu quả hơn. Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS nói riêng và trách nhiệm của toàn xã hội, cộng đồng trong việc thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giảm thiểu số cặp TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt đối với xã có tỷ lệ TH&HNCHT cao.
TH&HNCHT vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái giống nòi; là một trong những lực cản đối với tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững vùng DTTS. Ngăn chặn và đẩy lùi nạn TH&HNCHT giúp nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề án của Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”.