Nỗ lực duy trì nghề truyền thống
Ngoài làng nghề sản xuất muối ở ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau còn có một số nghề truyền thống khác như nghề dệt chiếu, nghề rèn... nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Một số người dân đã và đang nỗ lực để duy trì, bảo tồn nghề.
Bà Trần Thị Hồng ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, năm nay 66 tuổi, nhưng đã có 40 năm làm nghề dệt chiếu. Dù hiện nay nghề dệt chiếu gặp không ít khó khăn nhưng bà vẫn duy trì diện tích trồng lác để dệt chiếu với số lượng gần 30 đôi mỗi năm. Bà Hồng chia sẻ: “Tôi đã lớn tuổi, sức khoẻ hạn chế, không thể làm nhiều. Ở đây không ai duy trì nghề này, cũng không có nơi để trồng lác. Bên cạnh đó, ảnh hưởng thời tiết, mưa sẽ khó phơi được lác nên không ai muốn giữ nghề”.
Kế thừa nghề rèn từ cha và các chú, anh Nguyễn Hữu Nghị, 37 tuổi, Khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi, đam mê với công việc tương đối vất vả này. Khác với trước đây, nhân công làm lò rèn cần nhiều người, phải làm thủ công để cho ra sản phẩm, thì nay anh Nghị đã đầu tư hơn 60 triệu đồng mua máy móc. Mỗi ngày, từ việc rèn dao các loại, anh có thu nhập từ 400-500 ngàn đồng.
Anh Nghị bày tỏ: “Từ nhỏ bản thân đã học hỏi kinh nghiệm từ cha và các chú nên khi lớn lên là đã biết làm nghề rèn. Ðể có một sản phẩm cần nhiều công đoạn; cũng như để cho ra một sản phẩm chất lượng, phải xem màu lửa và nhiều yếu tố khác...”.
Ông Nguyễn Văn Ðô, cha anh Nghị, cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi nên tất cả khách hàng quen đều giới thiệu cho con làm, vì mới vô nghề kiếm khách rất khó. Tôi cũng hướng dẫn con kỹ lưỡng, dặn dò phải làm cho có chất lượng thì mới được khách hàng chọn mua, từ đó mới duy trì được nghề”.
Hiện nay, một số nghề truyền thống gặp không ít khó khăn và thách thức trong bảo tồn và phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân như bà Trần Thị Hồng và anh Nguyễn Hữu Nghị, rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành để tìm ra giải pháp thiết thực và hiệu quả, giúp các nghề truyền thống tại huyện Ðầm Dơi khôi phục, duy trì và phát triển./.