Để câu sli vang mãi
Trách nhiệm, nặng lòng với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, ông Nông Văn Hồ, Nghệ nhân ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Sli Xuân Dương (thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương, Na Rì, Bắc Kạn) đã và đang đóng góp sức mình gìn giữ điệu hát Sli của đồng bào Nùng.
Nói về hát Sli, nghệ nhân Nông Văn Hồ sôi nổi một cách tự hào: Hát Sli là hình thức hát thơ (chủ yếu là truyện thơ), được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam nữ, thường do một hoặc một vài đôi trai gái thể hiện trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới...
Cuộc hát bắt đầu khi có người lĩnh xướng, giọng phải vang, trong và có khả năng ứng đối khéo léo, nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo, khi hát người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.
Sli giúp gắn kết tình cảm cộng đồng làng bản hoặc liên làng bản trở nên gắn bó và sâu sắc hơn, đặc biệt nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng, nhiều người đã thành những đôi bạn thân thiết thông qua tục kết “lạo tồng” (kết bạn thân), góp phần củng cố ý thức cộng đồng, bồi đắp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Hát Sli thể hiện quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản, hướng thiện, truyền tải tri thức dân gian, lưu giữ ngôn ngữ của cộng đồng, góp phần giáo dục, bảo lưu, trao truyền ý thức về cội nguồn, sự tôn kính, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên.
Hát Sli không biết có từ khi nào, chỉ biết đã được truyền từ đời này qua đời khác. Người dân xã Xuân Dương từ lúc bắt đầu tập nói cho đến khi trở về với đất mẹ, đều có tiếng Sli tha thiết đi cùng năm tháng. Lời Sli là những câu chuyện, những giao bôi hò hẹn, làm quen. Sli như ông tơ bà nguyệt, buộc những hồn Sli lại với nhau mà nên duyên đôi lứa.
Nghệ nhân Nông Văn Hồ là một trong số ít những người biết và lưu giữ nhiều câu hát độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng. Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng tiếng hát giao duyên của nghệ nhân Nông Văn Hồ vẫn khỏe khoắn, hào sảng. "Tôi 16 tuổi biết hát Sli, đi cùng các chú, các bác ra chợ hát thất rất hay, thú vị, gặp nhiều người đẹp. Vợ chồng tôi vì hát Sli mà quen, biết rồi lấy nhau chứ không phải bố mẹ tìm cho, nhờ điệu Sli cả. Vào những dịp lễ, Tết, hội hè, câu lạc bộ tự hào mang câu Sli đi giao lưu, biểu diễn ở các xã lân cận và cả tỉnh bạn.
Ngày 09/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 830 đưa hát Sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vui, niềm tự hào không riêng người Nùng ở Na Rì mà của cả tỉnh Bắc Kạn. Để bảo vệ và phát huy những giá trị đặc sắc hát Sli của người Nùng thì việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết.
"Để tiếng Sli có thể bước cùng dòng chảy của thời gian, năm 2022, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ hát Sli xã Xuân Dương, huyện Na Rì, trong đó có các em học sinh lớp 2, lớp 3 tham gia, lớp truyền dạy hát Sli cho trẻ em hoàn toàn miễn phí". Ông coi đó là cách để giúp những câu Sli vang mãi - ông cho biết. Hiện nay, hầu hết các thành viên lớn tuổi trong CLB đã thành thạo rất nhiều bài hát đối đáp giao duyên (Sli, lượn) của dân ca Nùng.
Cùng với việc học hát các làn điệu Sli, các thành viên câu lạc bộ còn chép lại nhiều bản để lưu giữ, truyền dạy cho con cháu. Ngoài sưu tầm sách hát từ cổ nhân, các thành viên câu lạc bộ còn tự sáng tác, đặt lời mới và phiên dịch từ tiếng Nùng sang tiếng Việt, trong đó có các bài hát Sli giao duyên, hẹn hò, mừng nhà mới, mừng đầy tháng…., cùng trền 30 bài hát Sli cổ được sưu tầm từ thế hệ cha ông để lưu truyền lại cho con cháu.
“Cho đến hiện tại, tôi đã đặt lời mới và sáng tác được 15 làn điệu Sli để sử dụng và dạy cho các con cháu. Trong quá trình truyền dạy và tham gia các chương trình văn nghệ quần chúng, tối cũng đã dàn dựng được 25 chương trình văn nghệ quần chúng và các chương trình nghi lễ, lễ hội. Tôi cùng một số nghệ nhân khác đã thực hiện được trên 200 nghi lễ, nghi thức, đám hiếu, hỷ, mừng nhà mới, lễ đầy tháng… cho bà con nhân dân…” – nghệ nhân Nông Văn Hồ chia sẻ.
Nghệ nhân Nông Văn Hồ cho biết: "Nhằm bảo tồn, duy trì hoạt động của CLB hát Sli, chính quyền địa phương và CLB đã lên kế hoạch, phương hướng lồng ghép với các buổi sinh hoạt ở thôn bản. Qua các cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của xã cũng lồng ghép vào. Chúng tôi đặt mục tiêu sinh hoạt ít nhất mỗi tháng 1 lần vừa để tuyên truyền, vừa trau dồi kiến thức cho các thành viên".
Các nghệ nhân trong xã tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng họ đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli của dân tộc Nùng nói riêng với mong muốn những làn điệu Sli sẽ được lưu truyền lâu dài cho các thế hệ sau. Điều quan trọng trước hết là lòng đam mê, yêu thích, quý trọng văn hóa truyền thống, dân ca dân tộc, sự ham muốn hiểu biết, luôn sẵn sàng đón nhận những tri thức được truyền dạy từ gia đình, làng bản, xã hội và sử sách.
Làn điệu Sli đã góp phần cho cuộc sống của con người nơi đây thêm hồn nhiên, tươi vui, phấn khởi và góp phần xây dựng đời sống tinh thần người dân thêm phong phú, đa dạng. Sli đã tạo lập không gian, môi trường văn hóa để những người đam mê, yêu thích hát Sli hội tụ bày tỏ tâm tình qua các làn điệu đằm thắm thiết tha, để rồi cuối cuộc Sli, họ lại chia tay nhau trong lời hẹn sẽ gặp lại và trao cho nhau những câu hát Sli chân tình, mộc mạc. Bởi vậy, hát Sli có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người mà có thể chưa quen biết với nhau, do đó hát Sli có giá trị cố kết cộng đồng rất cao.
Để di sản văn hóa phi vật thể “Hát Sli của người Nùng” xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn phát huy được các giá trị vốn có, các cấp, ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cần chú trọng bảo tồn, phát triển các CLB hát Sli hơn nữa. Nghệ nhân bày tỏ, điều mong mỏi lớn nhất của ông là có thể mở lớp truyền dạy hát Sli trong nhà trường để nhiều người trẻ được tiếp cận, làm quen và giữ gìn kho báu tinh thần mà cha ông để lại.
Ông Hồ được cộng đồng tôn vinh vì quá trình dài miệt mài bảo tồn, phát huy di sản và luôn ý thức được trách nhiệm "truyền lửa" cho thế hệ sau. Theo như lời ông chia sẻ, việc bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc của bản thân là sự đam mê, để giữ cho được bản sắc dân tộc của cha ông. Năm 2022, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tăng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước và cộng đồng đối với những đóng góp không biết mệt mỏi của ông đối với di sản dân tộc, quê hương.