Bảo tồn, phát huy giá trị múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay
Chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay đã bước đầu phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa phối hợp với huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức Chương trình xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy múa Tắc Xình, dân tộc Sán Chay ở xã Tức Tranh.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ VHTT&DL.
Theo đó, từ ngày 17-27/11/2023, tại xã Tức Tranh, các nghệ nhân, người am hiểu nghệ thuật dân gian truyền thống dân tộc Sán Chay đã truyền dạy, hướng dẫn thực hành một số điệu múa Tắc Xình truyền thống cho 50 học viên.
Đối tượng tham dự lớp học là người dân; học sinh THCS, THPT, trong đó, học viên cao tuổi nhất đã trên 50 tuổi, học viên nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi.
Mặc dù các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, môi trường khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với những điệu múa Tắc Xình. Bởi vậy, sau một thời gian ngắn, hầu hết các học viên đều đã có thể trình diễn với niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Ngoài ra, các học viên còn được tìm hiểu về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa của các điệu múa; cách chế tác nhạc cụ từ cây tre, nứa, trúc và biểu diễn các loại nhạc cụ gõ…
Trong quá trình tổ chức mô hình bảo tồn, phát huy múa Tắc Xình, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã nghiên cứu, chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về điệu múa này để phục vụ cho việc tuyên truyền, quảng bá.
Chương trình cũng hỗ trợ 30 bộ trang phục dân tộc Sán Chay và bộ nhạc cụ gồm trống, sập xeng và chuông cho xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh để lưu giữ và phục vụ cho hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
Chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy điệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay, xã Tức Tranh bước đầu đã phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng.
Nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, múa Tắc Xình nói riêng đã được nâng cao hơn. Đặc biệt, vai trò năng lực của chủ thể văn hóa, của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản… ngày càng được khẳng định.