Hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người DTTS
Ngày 28/11, UBND tỉnh Hà Giang và các tổ chức Plan International Việt Nam, CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) tổ chức Hội thảo khởi động giai đoạn II của chương trình “Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình và Hà Giang”, dự kiến triển khai từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2028.
Chương trình hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn các xã Tà Long, Đakrông và Tà Rụt của huyện Đakrông; Hướng Lộc, Lìa và Ba Tầng ở huyện Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị; các xã Yên Hòa, Trung Thành của huyện Đà Bắc và xã Miền Đồi, Quyết Thắng của huyện Lạc Sơn; xã Nàn Ma và Nấm Dẩn của huyện Xín Mần và xã Thuận Hòa, Quảng Ngân và Cao Bồ của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Những huyện được lựa chọn là nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bao gồm Pa Cô, Vân Kiều, Mông, Tày, Nùng, Mường và Dao.
Chương trình sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và hỗ trợ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn cử như mô hình trường học an toàn nhằm nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai cho trẻ em và các trường học.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi thiên tai xảy ra, trẻ em được xác định là nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nhóm tuổi từ 5 đến 14, do các em còn nhỏ, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình. Khi gặp thiên tai, các em thường thụ động chờ người lớn giúp đỡ. Đặc biệt, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, trẻ em thường phải mất nhiều thời gian cho việc đi bộ/đạp xe từ nhà đến trường và ở các trường bán trú/nội trú.
Vì vậy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng để các em tự bảo vệ mình khi gặp thiên tai là rất quan trọng. Ngoài ra, mặc dù có nhiều trường học được sử dụng để làm nơi trú ẩn cho người dân sơ tán trong trường hợp thiên tai, nhưng tình trạng của hầu hết các trường học lại không đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn nếu số lượng người lánh nạn lớn (ví dụ: nhu cầu nhà vệ sinh và cấp nước, bảo đảm nhạy cảm về giới và bảo vệ trẻ em)...
Giai đoạn thí điểm của chương trình thực hiện ở tỉnh Quảng Trị và Hòa Bình từ tháng 6/2022 đến 8/2023 đã được địa phương đánh giá rất khả quan. Theo ông Trương Chí Hiếu, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: “Chương trình “Tiến về phía trước” đã có những tác động, hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Chương trình đã góp phần thay đổi tư duy và điều kiện sống của bà con, hướng đến bình đẳng giới và góp phần bảo đảm trường học trở nên an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu”.
Chương trình cũng ghi nhận phản hồi rất tích cực từ phía người hưởng lợi trực tiếp, chị Hồ Thị Xở, Tổ trưởng Tổ hợp tác chuối lùn xã Tà Rụt, tỉnh Quảng Trị cho hay: “Chương trình đã giúp chị em trong Tổ hợp tác hiểu rõ hơn về yêu cầu của thị trường và khách hàng tiềm năng của loại sản phẩm mà Tổ muốn bán, qua các chuyến đi thăm quan và trao đổi trực tiếp với các đầu mối thu mua. Chị em trong Tổ hợp tác thấy tự tin hơn để thực hiện kế hoạch bán hàng của Tổ”.
Chị Lường Thị Loan đến từ thôn Kìa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Chương trình “Tiến về phía trước” đã giúp các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng sáng tạo các hình thức truyền thông thu hút sự tham gia của dân làng, thúc đẩy các trao đổi về bình đẳng giới trong thôn của tôi”.
Tại Hội thảo, ông Seán Farrell - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã chia sẻ về chiến lược hỗ trợ của Ireland tại Việt Nam cũng như kỳ vọng đối với chương trình: “Đây là một trong những chương trình quan trọng nhất của Ireland tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chương trình góp phần đóng góp cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đối với khu vực miền núi và cộng đồng dân tộc thiểu số. Các mục tiêu của chương trình phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên trong Chính sách hợp tác hỗ trợ Việt Nam của Ireland”.