Hoa Pơ lang bên dãy Chư Pông
Trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả hai người phụ nữ ấy vẫn tỏa sáng như đóa Pơ lang bên dãy Chư Pông. Theo chế độ mẫu hệ của người Jrai, mặc dù con cái sinh ra đều mang họ mẹ, nhưng khi lựa chọn bầu một người vào ngôi vị già làng, “lá phiếu” thường nghiêng về ứng cử viên là đàn ông. Chính vì vậy, với những ngôi làng suy tôn người phụ nữ làm già làng, chắc chắn “người mẹ tinh thần” ấy phải hết sức đặc biệt. Từ nhiều năm qua, bên dãy núi Chư Pông, thuộc địa bàn biên giới huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, có hai nữ già làng, mỗi người một phong thái nhưng luôn nhận được “chỉ số tín nhiệm” tuyệt đối trong đời sống cộng đồng...
Nữ tướng trong thế trận lòng dân biên giới
Nói đến nữ già làng Ksor Blâm ở làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông là nói đến “chất thép”, sự quyết đoán nhưng tràn đầy tình thương và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ. Thuở thanh xuân, cũng như bao chàng trai, cô gái Jrai khác, cô “sơn nữ” Ksor Blâm tham gia lực lượng du kích địa phương, rồi vào bộ đội, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường B3 rực lửa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được điều động về công tác ở Huyện đội Chư Prông. Tại đây cho đến ngày nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy, người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai ấy đã tham gia rất nhiều cuộc truy quét FULRO dọc hành lang biên giới tiếp giáp giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Không quá lời khi nói cuộc đời của nữ già làng Ksor Blâm là những trận chiến; hết đánh Mỹ lại đối diện với bọn phản động FULRO, buông tay súng ở chiến trường là ngay lập tức “cầm tay chỉ việc” nơi buôn làng để đánh đuổi “giặc nghèo”, “giặc mê tín dị đoan”. Với một địa bàn biên giới, việc có được vị thủ lĩnh như thế rất xứng đáng để suy tôn là “nữ tướng” trong thế trận Biên phòng toàn dân. Gần 3 thập kỷ kể từ ngày trở về cuộc sống đời thường, đóa Pơ lang ngày nào của núi rừng Chư Prông vẫn ở đó, đơn thân một mình trong từng bữa ăn, giấc ngủ để kết tình đồng chí, nghĩa thâm giao với lính Biên phòng, mang niềm vui đến với những chủ nhân đất rừng biên giới.
Từ câu chuyện phối hợp với lính Biên phòng mang giống điều từ miền xuôi lên miền ngược, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở làng Krông, Klah, đến “vòng quay” của những con bò giống trao tay các hộ gia đình nghèo trên khắp địa bàn xã Ia Mơ (già làng tự bỏ tiền túi mua bò giống tạo sinh kế cho nhân dân). Hay những buổi “cầm tay chỉ việc”, kiên trì hướng dẫn bà con cách làm lúa nước, tổ chức họp dân hình thành ngàn vạn “mắt lưới” Biên phòng, hàng trăm “cột mốc sống” để ngăn chặn vượt biên, bảo vệ sự bình yên trên biên giới... Bất kỳ ở đâu, bất cứ việc gì cũng đều có dấu ấn của nữ già làng Ksor Blâm. Có thể khẳng định. người dân vùng biên giới Ia Mơ nói chung, làng Krông nói riêng tin tưởng nữ già làng ở phong cách “nói đi đôi với làm” và khi làm thì phải đi đôi với lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Chia sẻ với chúng tôi, “người mẹ tinh thần” làng Krông cho biết: “Năm nay mình đã gần 80 tuổi rồi, sức khỏe không cho phép đi nhiều, làm nhiều và nói nhiều như hồi còn trẻ, nhưng giúp được cho ai việc gì, đóng góp cho cộng đồng được tý nào là mình đều sẵn sàng. Xã Ia Mơ đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhà cửa, đường sá, trường học, trạm y tế cũng khang trang, bài bản hơn. Cuộc sống của bà con chắc chắn sẽ còn được nâng cao để chung sức đồng lòng với chính quyền địa phương và BĐBP xây dựng biên giới ngày càng bình yên và phát triển...”.
Mềm mại, ấm áp trong vai trò người "giữ hồn" dân tộc
Nếu như già làng Ksor Blâm có tố chất của một nữ tướng - mạnh mẽ, quyết đoán và giàu lòng nhân ái thì cách đó không xa, bên dãy Chư Pông có một người mẹ tinh thần cũng không kém phần nhiệt huyết trong công tác xã hội nhưng mềm mại, ấm áp trong vai trò người “giữ hồn” dân tộc. Người mà chúng tôi nói đến là bà Siu Phinh, già làng Gòng, thuộc xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông.
Cùng một thế hệ đi ra từ cuộc chiến tranh và cũng được ví như đóa Pơ lang, một thời tỏa sáng giữa núi rừng biên giới, cuộc đời của nữ già làng Siu Phinh cũng đi qua những năm tháng không thể nào quên trong vòng tay cộng đồng. Ở đó có sự mềm mại, trầm lắng, mạnh mẽ và thăng hoa, nhưng tựu trung lại đó là sự cống hiến dành cho buôn làng, cho quê hương và cho cái đẹp giữa đất trời biên giới. Và có lẽ, chính sự cống hiến đó đã tạo nên “chỉ số tín nhiệm” tuyệt đối mà người làng Goòng dành cho bà Siu Phinh trong suốt 10 năm qua. Đáp lại niềm tin của bà con, già làng Goòng chăm lo chu đáo từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc xã hội đến việc gia đình. Sự nhẹ nhàng, ân cần, lòng kiên trì và thấu hiểu của nữ già làng khi đứng ra giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng, gia đình cũng dễ thuyết phục người nghe hơn.
Những năm gần đây, “người mẹ tinh thần” làng Goòng còn đảm nhận vai trò đứng lớp khi tổ chức các tổ, đội múa xoang trong làng, trong xã phục vụ các hoạt động liên quan đến văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt, trước sự mai một của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, già làng Siu Phinh luôn đau đáu nỗi niềm làm thế nào khôi phục một trong những nét văn hóa đặc sắc mà ông bà tổ tiên để lại. Bởi thế hệ của bà giờ đây không còn nhiều người, nếu không làm nhanh chắc sẽ không kịp. Lòng đã quyết, già làng Siu Phinh kiên trì “cầm tay, chỉ việc” cho chị em, ân cần nắn nót từng động tác, từng đường kim, mũi chỉ để tấm thổ cẩm mang “thương hiệu” làng Goòng ngày càng trở nên hoàn hảo hơn.
Căn nhà nhỏ của già làng Goòng vào dịp nông nhàn hay những ngày nghỉ lễ, tết luôn rộn ràng tiếng nói cười của các chủ nhân đất rừng biên giới. Bên khung dệt, từng tốp, từng tốp học viên miệt mài tiếp thu những kỹ năng từ “người thầy” đánh kính của mình để mọi đường tơ kết lại, tạo nên tấm thổ cẩm đa sắc màu nhưng vẫn mềm mại, tinh tế, trường tồn mãi với thời gian. “Đã có hàng chục chị em phụ nữ, thanh thiếu niên trong làng được mình truyền dạy nghề giờ đây đã tự tay dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống cho gia đình. Mình rất vui vì đã có lớp người kế cận để tấm thổ cẩm dân tộc Jrai được gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng...” - Già làng Siu Phinh cười thật tươi chia sẻ với chúng tôi.
Năm nay cũng đã gần bước sang tuổi 80, nhưng ngọn lửa cống hiến của nữ già làng Siu Phinh vẫn luôn bừng sáng. Hàng ngày, bên cạnh những chuyến đi tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải đáp những thắc mắc trong cộng đồng, già làng Gòng vẫn mềm mại, uyển chuyển trong nhịp múa xoang và đầy chỉnh chu, khéo léo bên khung dệt. Những cống hiến của nữ già làng Siu Phinh không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, mà còn góp phần “giữ hồn dân tộc” trong đời sống cộng đồng trên vùng biên giới.