Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới “Cùng chung tay, cùng thay đổi”
Tổ chức sự kiện truyền thông có thể giúp nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới. Đồng thời, phương tiện truyền thông cũng là kênh để chia sẻ thông điệp, kinh nghiệm, và tạo đà để cộng đồng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (TW Hội) hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 với sự kiện truyền thông Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm tuyên truyền về bình đẳng giới, chống xâm hại và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Với thông điệp “Cùng chung tay, cùng thay đổi”, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tạo điểm nhấn cho chiến dịch truyền thông Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thể hiện sự hưởng ứng và cam kết của các cấp Hội trong hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó vận động, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành các cơ quan, tổ chức, các cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tham dự sự kiện có bà Hà Thị Nga - Uỷ viên Ban Chấp hành TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và Hà Nội cùng hơn 600 đại biểu đại diễn các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Trong khuôn khổ truyền thông, đại biểu và phụ nữ Thủ đô sẽ tham gia hoạt động đạp xe diễu hành tại các đường phố chính của Hà Nội nhằm chuyển tải, lan toả các thông điệp bình đẳng giới. Đồng thời, triển lãm 3D biểu trưng bình đẳng giới cũng sẽ được trưng bày tại phố đi bộ hồ Thiền Quang (công viên Thống Nhất) với các nội dung về bình đẳng giới, về bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và những nỗ lực của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đồng thời, cũng là quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á; hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam là nữ giới; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% - thuộc Top cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những nước đi đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%). Trong lĩnh vực thể dục - thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử, Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết World Cup Nữ 2023, ngày càng hội nhập vào những sân chơi đỉnh cao của thể thao thế giới. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023 Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng). Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra nghiêm trọng và là những trở ngại hàng đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội phát triển, tiến bộ, văn minh ở Việt Nam.
Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 và các báo cáo nghiên cứu, thống kê liên quan cho thấy: Gần 63% phụ nữ từng phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và theo thống kế chưa đầy đủ, trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình (năm 2020); Phụ nữ đã từng bị chồng hoặc người khác bạo lực có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực.
Dưới tác động của Covid-19, áp lực bệnh tật, áp lực kinh tế và những khó khăn trong cuộc sống khiến các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng, làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có và tạo ra những mối đe dọa mới. Điều này thôi thúc tất cả các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội cần chung tay, phối hợp và có những hành động quyết liệt hơn, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và đầu tư nguồn lực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 có chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Hội LHPN Việt Nam cũng tổ chức các hoạt động như Thực hiện Toạ đàm “Mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản ở Việt Nam”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; Xây dựng chuỗi Podcast CAM với các khách mời - là các nhà hoạt động xã hội chia sẻ quan điểm, góc nhìn khác nhau về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, góp phần lan tỏa thông điệp bình đẳng giới; Tham gia Tọa đàm để mang lại sức lan toả lớn đến công chúng.