“Mời anh về bản chơi, bản em ở phía cuối trời…”
Tháng 11, khi gió núi bắt đầu mang theo hơi lạnh làm se sắt thịt da, tôi có chuyến ngược ngàn Mường Nhé để về với Sín Thầu, mảnh đất nằm tít hút nơi cực Tây của Tổ quốc. Khi đứng chân trên đỉnh Khoang Len San cao vời vợi ngoái về bốn phía, khách thượng sơn sẽ thấy núi chất ngất, núi nối rừng giăng thành lũy mênh mông. Xa xa, các nếp nhà của đồng bào nằm mơ màng với khói lam chiều bảng lảng.
Và, cũng ở cái nơi “vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây” ấy, tôi đã gặp những bà, những mẹ, những chị, những em, những đồng bào Hà Nhì mến thương và hiếu khách đến lạ kỳ.
Huyền thoại về xã “3 không”
Ngay từ đầu con đường từ trung tâm huyện lị Mường Nhé lên xã Sín Thầu, khách thượng sơn đã có thể cảm nhận được mùa thu đang về trên mỗi ngọn núi, khe sâu. Ông trời nhúc nhắc châm lửa dã quỳ, thắp lên những ngọn lửa hồng, trắng, vàng li ti xen giữa màu xanh mê mải của núi rừng trùng điệp. Con đường quanh co như dải lụa mềm mại ôm choàng lấy núi. Hai bên là những cánh rừng với ngan ngát cỏ thơm... Cứ thế, dòng chảy của đất trời dường như bất tận.
Vào những ngày này, từ bản thấp đến bản cao, đồng bào Hà Nhì đang tất bật chuẩn bị để đón mừng Tết Hồ Sự Chà, hay còn gọi là Tết cơm mới – một trong những cái Tết lớn nhất trong năm.
Dừng chân ở bản Tả Kố Khừ, không khí chuẩn bị Tết càng hiện lên rõ rệt. Đường xá phong quang, nhà nhà treo cờ Tổ quốc. Những cô gái Hà Nhì trở về sau chợ phiên A Pa Chải, má đỏ hây hây, khuôn ngực căng phồng, những vòng eo cong như cánh ná. Gặp khách lạ, những cái bắt tay như truyền lửa.
Ông Pờ Dần Sinh, nguyên Bí thư xã Sín Thầu – một trong những “cây đại thụ” của cộng đồng người Hà Nhì ở vùng đất cực Tây của Tổ quốc - bảo: Từ xa xưa, người Hà Nhì đã nổi tiếng về lòng mến khách. Đối với họ, trong những ngày lễ tết, gia đình nào càng mời được nhiều người đến ăn, đến chung vui thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn.
Ông Sinh cũng rất chí lý rằng: “Chúng tôi ở địa đầu Tổ quốc, lẽ dĩ nhiên mùa Xuân cũng phải bắt đầu từ đây chảy về xuôi. Quan niệm của người Hà Nhì là vậy, thế nên chúng tôi mới có phong tục ăn Tết sớm’’.
Trong bữa cơm của người Hà Nhì suốt mấy ngày Tết luôn có đầy đủ các món ăn truyền thống do chính bàn tay lao động của đồng bào làm ra, như: Cá, gà, lợn, rau… Bên chén rượu nồng, câu chuyện của một năm cứ dài ra như bất tận.
Ở mảnh đất Sín Thầu này, dòng họ Pờ được xem là “Danh gia vọng tộc” với nhiều người thành đạt. Ngay từ thuở xa xưa, cha ông của nguyên Bí thư Sinh đã đến đây khai làng, lập bản, thổi bùng lên sức sống khắp dải đất hoang vu. Nối tiếp truyền thống của tổ tiên, dòng họ Pờ ở xã Sín Thầu ngày nay vẫn luôn đi đầu về mọi mặt. Với 100% hộ gia đình đều thoát nghèo, không có con em bỏ học, không vi phạm pháp Luật, hàng chục người tốt nghiệp đại học hiện đang công tác trong các cơ quan ban ngành của huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên. Theo thời gian, dòng họ Pờ dần trở thành điển hình cho các dòng họ khác noi theo. Có được điều đó là nhờ công sức rất lớn của “cánh chim đầu đàn” Pờ Dần Sinh.
Tháng 7/2009, khi đương đảm nhiệm cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch xã Sín Thầu, ông Sinh đã quyết tâm xây dựng mô hình dòng họ “3 không” và rồi nhân rộng ra toàn xã. Từ đó, Sín Thầu luôn là “xã 3 không”: Không đốt, phá rừng làm rẫy; không để dân di cư xâm nhập địa bàn; không có người nghiện hút, buôn bán ma túy.
Trước đó, vào khoảng năm 1998, trong toàn xã có 107 người nghiện, kéo theo đó là tệ nạn buôn bán ma túy, trộm cắp, đói nghèo, bệnh tật. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, ông Sinh lặn lội sang Trung tâm Y tế huyện Mường Tè xin thuốc về cai nghiện cho người trong dòng họ. Đồng thời, các cụ lão niên họ Pờ cũng ra quy định: Nếu ai tái nghiện thì gia đình đó phải chịu trách nhiệm, người nào không cai được, mắc nghiện sẽ chịu hình phạt với mức cao nhất là khai trừ, con cái sinh ra không được mang họ “Pờ”.
Chính vì vậy, chỉ 3 năm sau, họ Pờ không còn người nghiện và các họ khác cũng lần lượt học theo. 10 năm nay, xã Sín Thầu đã không còn cảnh những con nghiện vật vờ, dân bản không lo mất trộm…
Và quả thật, trước khi về với mảnh đất nằm ngã ba biên giới, tôi đã được nguyên Chánh án Mường Nhé Pờ Goo Loòng xác tín rằng: Có những thời điểm 2-3 năm liền Sín Thầu không có một trường hợp nào vi phạm pháp luật phải đưa ra xét xử. Có lẽ, đó cũng là chốn bình yên nhất trên toàn cõi Việt Nam.
Lời thề giữ rừng trên đỉnh Khoang Len San
Nhìn trên bản đồ, Sín Thầu chỉ là một cái chấm tròn nhỏ bé, nhưng trên thực tế đó lại là nơi có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên tuyến biên giới Tây Bắc. Sín Thầu có diện tích tự nhiên hơn 16 nhìn ha, với xấp xỉ 35 km đường biên, tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc. Ở đây, cũng là vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.
Suốt dọc dài con đường từ trung tâm xã lên đỉnh Khoang Len San, nơi có cột mốc 3 cạnh A Pa Chải, người ta có thể bắt gặp những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đó là chưa kể đến hàng trăm ha rừng thông, keo ở bản Tá Miếu đang dần trổ màu xanh mơm mởn. Tinh thần trồng và giữ rừng của người Hà Nhì đã và đang biến Sín Thầu thành vùng đất quyến rũ đến lạ kỳ.
Khi gặn chắt đến giọt sức lực cuối cùng để xuyên qua “Thập tầng đại sơn A Pa Chải” hùng vĩ, tôi chợt liên tưởng đến những cánh rừng ở những miền đất khác. Ở những nơi đó, phần lớn rừng đều đã bị tàn phá với tốc độ kinh hoàng, đâu đâu cũng xuất hiện những ngọn núi, quả đồi trơ khấc, trật lất toàn đất lẫn đá bạc phếch, tàn tro lem luốc. Còn ở Sín Thầu thì khác hẳn. Rừng mướt mát, xanh mơn. Trên cao, tiếng gió vi vu, dìu dặt lúc trầm, lúc bổng. Nắng lanh lảnh, nhảy nhót đùa vui trên lá. Tất cả những hình ảnh, thanh âm đó tạo nên Vũ khúc của rừng.
Để có được những trảng rừng đẹp như trong cổ tích ấy, người dân Sín Thầu đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để giữ gìn. Từ thuở hồng hoang, khi những người Hà Nhì đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, họ đã xem rừng là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình. Và suy nghĩ ấy, niềm tin ấy, tinh thần giữ rừng ấy đã được truyền lại cho lớp lớp con cháu người Hà Nhì đến tận bây giờ, nó tựa như một dòng chảy văn hóa len lỏi qua những nếp nhà thô mộc trên vùng đất Sín Thầu này, từ đời này sang đời khác.
Ông Lỳ Lá Na, người từng có nhiều năm làm Trưởng bản Tá Miếu, còn kể rằng, thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng nơi đây chả khác gì “Thiên la địa võng” che chở cho dân quân, bộ đội. Hòa bình lập lại, rừng lại sản sinh ra những thứ nuôi dưỡng con người.
Chính vì xem trọng, “tôn thờ” rừng như thế nên người Hà Nhì quyết giữ rừng bằng mọi giá, dù máu đã đổ không ít trên mảnh đất này. Ánh mắt rưng rưng, ông Lỳ Lá Na kể rằng: Mùa khô năm 2010, rừng Sín Thầu bị cháy. Khắp bản trên, bản dưới, đồng bào kêu gọi nhau ra sức chiến đấu với giặc lửa để cứu rừng.
Sau khi ngọn lửa hoàn toàn bị dập tắt, bà con mới phát hiện ra xác của Su Sè Hừ, nhà ở bản Tả Khố Khừ, bị cháy xém bên gốc cây cổ thụ. Hừ nằm lại rừng, vĩnh viễn ở tuổi 20. Để ghi nhớ tinh thần anh dũng của người con đất Sín Thầu, Nhà nước đã công nhận Su Sè Hừ là Liệt sỹ.
Kể từ đó, mỗi người dân Sín Thầu càng nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ rừng, bởi đối với họ, mỗi nhành cây, chiếc lá đều thấm mồ hôi và máu xương của con em họ. Hàng ngày, họ vào rừng chăm sóc, trông nom từng cây, đề cao tinh thần cảnh giác khi có người lạ xâm nhập vào địa bàn, ngăn chặn mưu đồ chặt phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép. Chính vì thế mà người Hà Nhì ở xã Sín Thầu đã ngăn chặn được làn sóng di cư tràn lan, ồ ạt.
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác trong dân, cung cấp số điện thoại của cơ quan chức năng để khi người dân phát hiện đối tượng có dấu hiêu khả nghi thì kịp thời thông báo. Nhờ vậy, tình hình an ninh, chính trị trong nhiều năm qua trên địa bàn luôn được giữ vững.
Chia tay Sín Thầu trong nỗi niềm bịn rịn, hành trang tôi mang về phố là đầy ắp những hương rừng, gió núi và tình người ấm nóng. Tuy thời gian lưu lại đây không đủ lâu, đủ dài để có thể hiểu hết được các trầm tích văn hóa của vùng đất ngã ba biên, nhưng tôi nghĩ mình sẽ nhớ lắm những con người bình dị, ấm lành như núi mà hào sảng, mến khách đến lạ kỳ. Nhất định một ngày nào đó, tôi sẽ về thăm lại cái bản làng nơi đại ngàn mây phủ, để được nghe giọng em gái Hà Nhì lí lơi, mời gọi: “Mời anh về bản chơi, bản em ở phía cuối trời...”.