Văn hóa

Khai thác du lịch từ lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số

Lê Hiếu 27/11/2023 - 14:34

Các nghi lễ và lễ hội không chỉ là "tài sản" quan trọng trong văn hóa của từng dân tộc mà còn là điểm nhấn thu hút du khách đến với địa phương. Tận dụng lợi thế văn hóa để phát triển du lịch không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc mà còn tạo động lực để phát triển toàn diện.

Phát triển du lịch phù hợp với văn hóa các dân tộc

Đắk Lắk có thế mạnh cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc, khác biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số với văn hóa, phong tục riêng biệt từ trang phục, ẩm thực truyền thống đến nghi thức, nghi lễ. Tỉnh hiện có 41 di tích lịch sử, văn hóa trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh với nhiều lễ hội truyền thống của 49 dân tộc diễn ra thường niên giúp thu hút hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm.

Tỉnh Đắk Lắk xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và du lịch của nước ta đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng miền khác của tỉnh.

dak-lak.-khai-tac-du-lich-tu-le-hoi-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so.hinh-2.jpg
Du khách tham dự Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar)

Chính vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cơ chế, chính sách tập trung khai thác các thế mạnh vốn có, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách. Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Theo đó, các di tích được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đã thực hiện tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về di sản ngày càng chặt chẽ, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống được phục dựng như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê, lễ cúng lúa mới, lễ cúng ché của người M’nông; Tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ của đồng bào các dân tộc.

Hàng năm, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar... còn tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc cho đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông... di cư tới địa bàn tỉnh lập nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành kinh phí cho việc sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tại chỗ. Phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mở các lớp truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi, các lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành địa phương tiêu biểu phát triển được nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Trong đó phải kể đến việc duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên, như: Hội voi và Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn; lễ hội lồng tồng tại huyện Cư M'gar; lễ hội vật tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); Lễ hội dân gian Việt Bắc tại huyện Krông Năng; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar,…

Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Chính phủ đồng ý tổ chức định kỳ hai năm một lần đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lượt khách. Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân địa phương và du khách được duy trì định kỳ vào tối thứ bảy tuần thứ hai và tuần cuối mỗi tháng. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, cũng thường xuyên biểu diễn các chương trình cồng chiêng phục vụ khách du lịch…

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch từ lễ hội

Hiện nay, du lịch Đắk Lắk đang được định hướng trở thành trung tâm liên kết của vùng Tây Nguyên và có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Do đó, tiềm năng, nguồn lực để khai thác du lịch từ lễ hội là rất lớn.

Xác định được điều này, thời gian qua, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo, chủ động trong khâu tổ chức, đầu tư nhân lực, vật lực để nâng tầm, mang đến một lễ hội vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tham dự.

dak-lak.-khai-tac-du-lich-tu-le-hoi-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so.hinh-1.jpg
Lễ hội đua thuyền độc mộc của cộng đồng dân tộc M'nông sống ven hồ Lắk được tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 3 dương lịch.

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng) những năm gần đây đã có nhiều sự đổi mới. Chính quyền địa phương chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất và hình thức tổ chức như địa điểm gửi xe rộng rãi, bố trí công an xã trực an ninh trật tự, tổ chức thêm nhiều trò chơi, khu ẩm thực… nhằm đáp ứng và mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dân và du khách.

Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar chia sẻ, lễ hội không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, mà còn tạo nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng các dân tộc ở mỗi địa phương. Huyện Cư M’gar xem việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Wem Hwing cho biết, hiện nay, huyện Cư M’gar đang giữ gìn nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc, trong đó, Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của dân tộc Ê Đê xã Ea Tul được huyện duy trì tổ chức nhiều năm nay. Sắp tới, huyện Cư Mgar sẽ nâng cấp Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xơ Đăng thành lễ hội cấp huyện nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa của đồng bào Xơ Đăng đến du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh các thế mạnh đã kể trên, cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế các lễ hội đều đang dừng lại ở quy mô nhỏ, sức lan tỏa chưa sâu rộng và việc khai thác lễ hội chưa tương xứng với tiềm năng. Các lễ hội địa phương có thời gian tổ chức khá ngắn, lại trùng với thời gian tổ chức các lễ hội của các địa phương khác trong tỉnh và trong nước nên đôi khi không thu hút được nhiều người tham dự. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về lễ hội địa phương chưa sâu rộng nên các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn khi khai thác để đưa vào các tour du lịch.

Vì vậy, thiết nghĩ, thời gian tới, các địa phương cần phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội; đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội và tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách về dự lễ hội…

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, để khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội, ngoài việc tuyên truyền, phối hợp phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống, truyền dạy đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương còn phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch ở các địa phương.

“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ hướng dẫn các địa phương pháp lý hóa các lễ hội để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có cơ sở xây dựng tour phục vụ du khách”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu nói.

Hy vọng rằng, các nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Đắk Lắk trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội địa phương sẽ mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn cho du lịch Đắk Lắk. Qua đó giúp du lịch trở thành một ngành công nghiệp du lịch, tạo ra các cơ hội việc làm và phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương, đồng thời thúc đẩy việc giao lưu văn hóa, tăng cường nhận thức và tôn trọng đối với các di sản văn hóa của dân tộc thiểu số.

Lê Hiếu