Bản sắc văn hóa

Nhiều Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia và Lễ hội được "trình diễn" vào cuối tháng 12

Diệp Trà 27/11/2023 - 07:48

Festival Khèn Mông và Lễ Công bố quyết định đưa nghệ thuật Khèn của người Mông, nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và Lễ hội Hoa tớ dày năm 2023 sẽ khai mạc tại huyện Mù Cang Chải vào ngày 23/12.

Các nội dung, kế hoạch tổ chức chương trình, hiện nay, ngoài hoạt động chính trong Lễ khai mạc sự kiện, huyện Mù Cang Chải đang dự thảo các hoạt động phụ trợ. Dự kiến, trước Lễ khai mạc sẽ có các hoạt động như: diễu diễn đường phố; tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; giao lưu, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của người Mông; hội thi múa khèn tốp; trải nghiệm giã bánh dày; hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ…

284981_img-9341.jpg
Màn trình diễn khèn của người Mông Suối Giàng, huyện Văn Chấn

Đối với công tác tuyên truyền, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các địa phương chủ động tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng nội dung tuyên truyền lồng ghép về các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện.

Đồng thời dự thảo khẩu hiệu tuyên truyền về sự kiện để trình Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định; tham mưu xây dựng dự thảo quyết định của UBND tỉnh Yên Bái thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Festival và công bố Quyết định về Nghệ thuật khèn Mông…

Tại Lễ Khai mạc sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông” với điểm nhấn là màn đồng diễn nghệ thuật khèn Mông có sự tham gia của 1.000 nghệ nhân, diễn viên của huyện Mù Cang Chải.

Trong khuôn khổ sự kiện, Festival Khèn Mông được thiết kế loạt chương trình “Sắc màu văn hóa dân tộc Mông” nhằm thu hút du khách như chương trình biểu diễn đường phố, tái hiện không gian văn hóa, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông, trải nghiệm vẽ hoa văn trên vải sáp ong, tổ chức phiên chợ vùng cao…

Để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước các sản phẩm du lịch độc đáo, huyện Mù Cang Chải sẽ tái hiện Không gian Văn hóa Dân tộc Mông từ ngày 22-24/12; Không gian Chợ phiên từ ngày 22-24/12 tại thị trấn Mù Cang Chải.

Ngoài ra, các hoạt động giao lưu hội thi múa khèn tốp, trải nghiệm giã bánh giầy và bay dù lượn tại đèo Khau Phạ cũng sẽ được tổ chức.

Dịp này, các gian hàng trưng bày sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; Văn Chấn; thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Tỉnh Yên Bái với số lượng dân tộc Mông chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh, tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên.

Đến Mù Cang Chải vào thời điểm cuối tháng 12, du khách cũng sẽ được ngắm vẻ đẹp mê hồn của hoa tớ dày phủ kín các sườn đồi. Hoa tớ dày là loài hoa mang nhiều ý nghĩa đối với đời sống của người dân nơi đây, một loài hoa thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.

anh-8-dung-1675328581.jpg
Hoa tớ dày là loài hoa mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Yên Bái

Hoa tớ dày thuộc họ hoa đào, người Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là "Pằng tớ dầy”, dịch theo nghĩa tiếng Việt là "Hoa đào rừng”. Hoa thường nở vào khoảng cuối tháng 12 Dương lịch, trước hoa đào khoảng một tháng. Vẻ đẹp của hoa tớ dày được người Mông ở đây ví như vẻ đẹp căng tràn sức sống của người thiếu nữ Mông, khiến trái tim của những chàng trai đang yêu thổn thức.

Diệp Trà