Phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ở Akô Dhông
Ngôi làng ấy được mệnh danh là giàu mạnh nhất Tây Nguyên, nơi vẫn còn giữ lại được những nét đặc trưng nhất của cộng đồng dân tộc Ê Đê, thể hiện rõ nhất trong những căn nhà dài của đồng bào giữa cơn lốc đô thị hóa ngập tràn lòng phố núi Ban Mê.
Người dựng làng giữa lòng phố thị
Nằm trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi trở mình mạnh mẽ trong sự phát triển của thời cuộc. Nhưng ở đó, sau gần 70 năm dựng buôn làng, định hình được bản sắc, bây giờ đã trở thành trung tâm du lịch cộng đồng đầu tiên của Đắk Lắk. Không chỉ thế, nơi đây được đánh giá là một trong những buôn làng giàu đẹp nhất Tây Nguyên.
Gần 70 năm dựng buôn, người trong buôn chẳng bao giờ quên được Ama H’rin, vị già làng đáng kính đã chọn đất lập buôn này từ năm 1956. Thuở ấy, già Ama H’rin (tên thật là Y Diêm Niê) ở cao nguyên M’Đrắc lấy vợ, theo vợ về vùng đất này. Nhưng dạo ấy, người và đất dường như “không ưng nhau”, nên già không khỏi trăn trở khi chứng kiến người thân sống trong cảnh nghèo đói vì đất đai cằn cỗi, cỏ tranh và thú dữ nhiều hơn sông suối. Già đã đeo cung tên lên vai, tay cầm giáo, bạt lau dắt vợ con đi tìm vùng đất mới.
Đất dựng buôn ngày ấy phải đi nhiều ngày mới tìm được và nơi này là đầu nguồn con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột khi có 6 con suối khác nhau tụ hội là Ea Nuôl, Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi và Thun M’nung. Buôn Ma Thuột thuở ấy hoang sơ giữa rừng già bao phủ. Buôn Ako D’hong có tên từ đó với nghĩa “làng ở đầu nguồn suối”. Ngày đó, ngoài Akô Dhông, xung quanh khu vực Buôn Ma Thuột chỉ có 3 buôn là Kô Siêr, Păn Lăm và Alê.
Ama H’rin học kỹ thuật trồng cà phê từ người Pháp, tìm ra những giống cà phê tốt nhất cho vùng đất này. Với sức khỏe cường tráng, lòng gan dạ, lòng quyết tâm sắt đá và trí thông minh, già Ama H’rin đã dạy buôn làng trồng cà phê, quy hoạch buôn, chia đất cho bà con... Ngoài cà phê, Ama H'rin còn chỉ cho dân làng trồng các loại cây điều, bơ, tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện đời sống.
Nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn đã xảy ra sau này, nhưng người Ako D’hông chưa bao giờ bị đói. Họ cùng đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ cho nhau từ hạt muối đến bầu nước. Nhưng rồi, sau 82 mùa cúng bến nước, già Ama H'rin đã phải về bên kia núi, song sức sống của buôn làng ngày càng mạnh mẽ. Nhờ tư duy của già, buôn Ako Dhong vẫn giữ nguyên nhiều nét đẹp truyền thống của đồng bào.
Kế tục sự nghiệp của già Ama H'rin, nhiều người trong buôn Ako Dhong bấy lâu nay vẫn đau đáu bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê cho sự phát triển của cộng đồng giữa cơn lốc đô thị hóa khiến bản sắc văn hóa dân tộc dễ bề phai nhạt.
Buôn Ako Dhong cũng như nhiều buôn làng Ê Đê khác trên dải đất bazan nắng đỏ này, vẫn còn nhiều người nhiệt huyết giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống dân tộc, như gia đình già làng Ama Denny (con rể của già Ama H’rin); Y Zack (con trai của già Ama H’rin), ca sĩ trong nhóm Du Ca sôi động của nhạc sĩ Trần Tiến ngày nào; Nay Phai, nghệ nhân chỉnh chiêng một đời tâm huyết gìn giữ và truyền dạy văn hóa cồng chiêng; Ama Nhiên, nghệ nhân kể khan trẻ nhất thế hệ hiện tại; Y Tis, nghệ nhân trẻ đa tài vừa có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ Tây Nguyên, vừa chế tác nhạc cụ, cũng là học trò xuất sắc của nghệ nhân Nay Phai...
Ngoài ra, còn có nghệ nhân dệt thổ cẩm H’min Niê và cả Y Thiên - một doanh nhân làm du lịch cộng đồng như được các “Yang giao cho trọng trách lớn” với quê hương buôn làng của mình.
Giữ buôn để nuôi người
Buôn Akô Dhông với diện tích hơn 62ha, hiện là nơi sinh sống của 247 hộ với 1.004 nhân khẩu (trong đó, người dân tộc Ê Đê có 64 hộ, 317 nhân khẩu). Nơi đây vẫn gìn giữ được 32 ngôi nhà dài làm bằng gỗ, lợp ngói, vách nghiêng, mái nhọn nhô ra phía trước trong buôn, đều nằm dọc hai bên đường theo hướng truyền thống từ Bắc đến Nam.
Đầu nhà quay về phía Bắc, có cửa chính và là cửa đón khách, thông ra sàn rộng, còn đầu hồi phía Nam cuối nhà dành cho sinh hoạt gia đình. Với người Ê Đê, nhà dài là biểu tượng văn hóa, là trái tim, máu thịt, là điều gần gũi và thiêng liêng của dân tộc. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình mà còn là không gian văn hóa, địa điểm tổ chức các nghi lễ quan trọng của cộng đồng.
Cùng với tài sản vô giá từ những ngôi nhà dài dưới những tán cây cổ thụ, bên bến nước thiên nhiên tuyệt đẹp được bảo vệ nghiêm ngặt, những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng độc đáo của người Ê Đê hiện hữu trong lễ hội cồng chiêng, những pho tượng gỗ, văn hóa ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm... được lưu giữ, bảo tồn bao đời nay đã mang lại cho buôn Akô Dhông một sức hút mãnh liệt đối với du khách.
Nhờ không gian kiến trúc, không gian văn hóa đặc sắc của buôn Ako D'hong, tháng 3/2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã công bố Akô Dhông là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Theo quy hoạch, điểm du lịch cộng đồng này rộng hơn 55ha, quy mô dân số khoảng 2.200-3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 1/3 số người sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và kinh doanh dịch vụ văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đặc biệt, buôn Akô Dhông đang duy trì hoạt động 4 dàn chiêng Knăh, nhiều điệu xoang cổ của dân tộc Ê Đê được người dân gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn để phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Anh Y Thiên, hướng dẫn viên du lịch người Ê Đê ở buôn Akô Dhông tâm sự, anh rẽ ngang sang làm du lịch cộng đồng là vì muốn gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp sức xây dựng quê hương, buôn làng giàu đẹp. “Giữ để không làm méo mó giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Tất cả không gian đều mang bản sắc của người bản địa và hơn 90% người làm tại khu du lịch đều là người Ê Đê" - Y Thiên bộc bạch.
Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó, buôn Akô Dhông được chọn thực hiện mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Từ đó, nhân rộng, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.