Điểm sáng bảo tồn, phát huy giá trị sử thi
Sử thi là một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, linh hồn của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên, phản ánh mọi khía cạnh đời sống từ tạo lập buôn làng, sản xuất nương rẫy, chiến tranh giữa các bộ tộc, đến thực hành nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán. Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa sử thi, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk chính là điểm sáng đó.
Nỗ lực bảo tồn
Nghệ nhân Ưu tú Y Wuang Hwing, buôn Triă, xã Ea Tul là một trong số ít người còn thuộc nhiều bài sử thi Ê Đê ở huyện Cư M’gar. Hiện, nghệ nhân Y Wang còn thuộc 4 sử thi nổi tiếng của người Ê Đê gồm: “ÊĐăm Bhu - Đăm Bha”, “ÊĐăm San”, “Êbõng Hiu Knuh” và “YBũng HĐăng”.
Nghệ nhân Y Wuang chia sẻ: "Người Ê Đê gọi sử thi là klei khan. Sử thi đã gắn bó với buôn làng từ bao đời nay và được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Người Ê Đê có câu ca rằng: “Thiếu tiếng chiêng, tiếng kư ưt, tiếng khan như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối...”. Ngày xưa hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân kể khan, nhiều buôn có đến 2 - 3 người. Nhưng bây giờ, người biết kể sử thi cũng vơi đi nhiều".
Để bảo tồn sử thi Ê Đê, những năm qua, ngành văn hóa mở những lớp truyền dạy hát kể sử thi. Địa phương cũng định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa như Ngày hội Làng văn hóa các dân tộc xã Ea Tul, được tổ chức 2 năm một lần tạo môi trường, không gian nghệ thuật sử thi cũng như các giá trị văn hóa được diễn xướng. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Cư M’gar tổ chức lớp diễn xướng, truyền dạy sử thi của người Ê Đê cho 20 thanh niên tại xã Ea Tul. Sau hơn 3 tháng, với sự tận tâm của các nghệ nhân truyền dạy và tinh thần trách nhiệm cao, thái độ học tập nghiêm túc của học viên, khóa học thực hiện đảm bảo nội dung, đạt kết quả khả quan. Các học viên đã nắm được nội dung, hiểu được ý nghĩa và diễn xướng một số đoạn sử thi đã học. Lớp truyền dạy sử thi không những tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa sử thi trong đồng bào dân tộc Ê Đê.
Nhờ những lớp truyền dạy như vậy mà bây giờ, những dịp mùa vụ, nghi lễ vòng đời, lễ hội của buôn hoặc chính quyền địa phương tổ chức, bà con lại tập trung nghe nghệ nhân hát kể. Người biết hát kể sử thi cũng tăng lên với nhiều thế hệ từ nghệ nhân già đến trung niên, thanh niên và cả thiếu niên.
Để sử thi còn mãi
Theo thống kê, đến nay, huyện Cư M’gar còn 7 sử thi được ghi âm và phổ biến trong cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk, trong đó, có 3 sử thi được biên dịch và xuất bản thành sách vào cuối năm 2010. Ngày nay, nghệ thuật hát kể sử thi của người Ê Đê vẫn được các thế hệ nghệ nhân trong các buôn trên địa bàn huyện Cư M’gar như Y Yêm Hwing, Y Wang Hwing, bà H’Bung Mlô... và thế hệ kế cận gồm Y Thin Niê, Y Dhin Niê, Y Rang Kla và chị H’Ru Hwing gìn giữ, thực hành và trao truyền.
Để gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ mai sau, đầu tháng 8/2023, ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk tổ chức ghi âm, ghi hình diễn xướng di sản sử thi tại nhà sàn truyền thống của gia đình bà H’Bung Mlô ở buôn Triă, xã Ea Tul làm tư liệu. Trong không gian linh thiêng của nghệ thuật kể khan, các thế hệ nghệ nhân người Ê Đê từ già đến trẻ thay nhau diễn xướng những bài sử thi của dân tộc mình. Tất cả những nét cơ bản về lối hát kể khan, cách láy luyến làn điệu với lời hát kể, phương thức thực hành kỹ năng diễn xướng cũng như cách ứng tác và ngẫu hứng sáng tạo trong nghệ thuật diễn xướng sử thi đã được ghi lại cả bằng âm thanh lẫn hình ảnh một cách sinh động.
Ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar cho biết: "Xã hội hiện đại ít nhiều tác động đến đời sống của bà con buôn làng, song những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê vẫn được duy trì, thực hành thường xuyên dưới nhiều hình thức, từ nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, tâm linh đến hoạt động diễn xướng dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng... và hát kể sử thi. Hát kể sử thi vẫn được nghệ nhân ở các buôn làng trên địa bàn huyện gìn giữ, thực hành và truyền dạy".
Bằng việc truyền dạy, phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống và ghi âm, ghi hình, biên dịch in thành sách, chắc chắn sử thi sẽ còn mãi với cộng đồng người Ê Đê huyện Cư M’gar.