Phát triển - Hội nhập
Xã nghèo nỗ lực “cán đích” nông thôn mới
Trở về Minh Tiến đúng vào ngày địa phương này tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Chưa bao giờ Minh Tiến rộn ràng đến thế: đường làng ngõ xóm trang hàng cờ hoa rực rỡ, người dân ai cũng hồ hởi, phấn khởi! Chắc chắn rồi, họ vui bởi từ một xã “top dưới” của huyện Lục Yên nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, mục tiêu đạt chuẩn NTM của Minh Tiến đã thành hiện thực.
Sáng 25/11, được sự ủy quyền, lãnh đạo UBND huyện Lục Yên trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Tiến |
Phát huy nội lực
Minh Tiến (huyện Lục Yên) là xã thuần nông, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 10 thôn với 1.419 hộ, 6.373 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tày chiếm 74,1%, dân tộc Nùng chiếm 19,5%, còn lại là dân tộc khác.
Đồng chí Triệu Ngọc Đương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ những ngày đầu bắt tay triển khai Chương trình xây dựng NTM, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đã thống nhất phương châm thực hiện các tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau”, vừa đảm bảo tính khẩn trương, đồng bộ, vừa đảm bảo tính bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương”.
Nói là vậy chứ khi triển khai xây dựng Chương trình NTM ở Minh Tiến là đối mặt vô vàn khó khăn. Địa phương ở điểm xuất phát thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhân dân chưa phát huy và khai thác tốt các tiềm năng kinh tế hộ gia đình, lại có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp chậm. Trên địa bàn có 5/10 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho xây dựng NTM chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, trong khi sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, ngành nghề nông thôn thiếu đa dạng.
Trước những khó khăn và thách thức trên, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ xã Minh Tiến đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú, phù hợp; đặc biệt khơi dậy được lòng tự hào, tự vươn lên trong xây dựng NTM của nhân dân.
Nến như trước đây, thôn Khau Phá gặp muôn vàn khó khăn thì sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo vùng quê thuần nông này đã có nhiều khởi sắc, với nhiều ngôi nhà sàn bê tông, nhà xây kiên cố mới được mọc lên; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp; kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; nhà văn hóa, khu thể thao thôn được xây dựng khang trang, sạch đẹp đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân trong thôn.
Ông Hoàng Văn Thức - Trưởng thôn Khau Phá cho biết: "Nắm bắt được ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM, hơn 10 năm qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn hiến trên 1.500m2 đất các loại; trên 2.500 cây cối, đóng góp gần 1 tỷ đồng và trên 4.500 ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn và các công trình xây dựng khác. Từ chương trình này đã dần loại bỏ một số hủ tục trong việc hiếu, việc hỷ..., nhân dân chấp hành đúng quy định”.
Với bà Hoàng Thị Thôn ở thôn Khau Nghiềm, việc được hiến đất, cây cối và hoa màu để làm đường là một vinh dự. "Nghĩ đến cảnh bao đời nay bọn trẻ đi học trên con đường lấm lem bùn đất mỗi ngày trời mưa; cảnh người dân trong thôn đi lại trên con đường khó đi ảnh hưởng không nhỏ đến giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội nên dù hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng gia đình tôi đã quyết định hiến hàng trăm mét vuông đất và nhiều cây cối cho thôn làm đường giao thông”.
Với sự hưởng ứng tích cực của bà Thôn cũng như hàng trăm hộ dân trong xã nên sau 12 năm, tổng các nguồn vốn huy động xây dựng NTM ở Minh Tiến đạt trên 169 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 22 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ: đến nay, 100% đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 90% chiều dài các tuyến đường trục thôn, liên thôn và trên 65% các tuyến đường ngõ, xóm được bê tông hoá, 86,5% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ trên địa bàn xã được sử dụng điện thường xuyên an toàn. Nhà văn hóa, khu thể thao xã; nhà văn hóa và khu thể thao các thôn, hệ thống bưu chính viễn thông... được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp...
Chú trọng nâng cao đời sống cho nhân dân
Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu chính yếu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên ngay từ khi thực hiện Chương trình, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Minh Tiến đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế có thế mạnh của địa phương.
Chị Trương Thị Xoan ở thôn Khau Sảo chia sẻ: "Khi xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lúc đầu gia đình chỉ trồng mấy sào dưa hấu nhưng đến nay khi thấy hiệu quả cây dưa đem lại, gia đình đã đầu tư giống, phân bón trồng gần hơn 3 ha, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Minh Tiến hôm nay
Cũng như chị Xoan, khi có chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng loại hình chăn nuôi hàng hoá, tập trung và đảm bảo an toàn sinh học, các hộ gia đình: Nguyễn Minh Thao, Mai Quang Bắc ở thôn Tồng Táng; Hoàng Văn Can ở thôn Làng Quị; Hoàng Văn Hợp ở thôn Khuân Pục... đã đầu tư mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn, quy mô từ 50-200 con lứa hay mô các mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 20 con trở lên của các hộ: Nguyễn Căn Cộng, Hoàng Minh Chí, Hoàng Văn Bảy ở thôn Minh Thành; Hoàng Văn Tính ở thôn Khau Dự...
Bí thư Đảng ủy Triệu Ngọc Đương cho biết: "Nhờ phát huy và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong giai đoạn 2011-2023, từ nguồn vốn trực tiếp và nguồn vốn lồng ghép khác, xã đã hỗ trợ xây dựng trên 120 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp. Hiện, xã có 5 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP (cao gắm, dây thìa canh, giảo cổ lam, ích áp cao, viên thìa canh giảo cổ lam); 2 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu bao gồm: "Lạc đỏ Lục Yên” và "Gà trống thiến Lục Yên”. Xã có 8 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 28 tổ hợp tác, 2 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, 2 xưởng sản xuất vật liệu không nung, 4 cửa hàng kinh doanh tổng hợp….Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân; nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm nông, lâm nghiệp của địa phương”.
Cùng với đó, xã Minh Tiến đang duy trì và phát huy hiệu quả 43 mô hình chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên; 16 mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 20 - 100 con/lứa; 3 mô hình chăn nuôi dê quy mô từ 30 con/lứa trở lên,… Các mô hình cho thu nhập ổn định từ 50-200 triệu đồng/năm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, đồng lòng của nhân dân, sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Minh Tiến ngày càng đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 42,545 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 12,83%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố vững chắc. Đó là những dấu ấn, tiền đề vững chắc cho Minh Tiến tiếp tục phát huy, duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao trong những năm tiếp theo.