Nhiều hoạt động trưng bày Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh
Ngày 1/12, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội sẽ diễn ra “Chương trình trưng bày Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Chương trình do Trung tâm Thông tin Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Không gian trưng bày Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật xòe Thái; các gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số, cung cấp thông tin du lịch và giới thiệu sản phẩm du lịch; giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc địa phương…
Tính đến tháng 4/2023, có 676 di sản văn hóa phi vật thể của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ được UNESCO ghi danh. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số di sản nhiều nhất được vinh danh, với 15 di sản.
Theo đại diện Trung tâm Thông tin Du lịch, sắp tới đơn vị này sẽ ra mắt 2 video clip với chủ đề về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái, sẽ được trình chiếu tại trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Những nội dung này sẽ được ra mắt rộng rãi trên các nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Được biết, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ ngày 25/11/ 2005. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bahnar, Jrai, Xê Đăng, M’nông, C’ho, Ê Đê...
Còn nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 13 đến 18/12/2021 tại Paris (Pháp), hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 48 hồ sơ khác.
Di sản không chỉ phản ánh bề dày lịch sử văn hóa, mà còn còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Bằng chứng là nhiều di sản sau khi được xếp hạng, ghi danh đã trở thành tài nguyên đặc sắc của du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo nhiều sinh kế cho cộng đồng.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo tồn di sản. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách nhà nước hằng năm đều quan tâm cấp cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích. Giai đoạn 2011-2015, kinh phí bảo tồn 1.302 di tích là 1.436,844 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, kinh phí bảo tồn 471 di tích là 245 tỷ đồng.
Để phát huy giá trị di sản, theo các chuyên gia, cần phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu như phong tục, lễ hội cổ truyền. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích...