Nữ nghệ nhân đau đáu với những giá trị hồn cốt dân tộc
Trong làng then Thái Nguyên, một trong những “đại thụ” được mọi người biết đến nhiều nhất là Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng (dân tộc Tày, huyện Định Hóa). Giờ đây, dù tuổi đã cao, bà vẫn từng ngày mang tiếng đàn, tiếng hát của mình đi khắp nơi để đàn Tính, hát Then được thật nhiều người biết đến và yêu thương.
Kết thúc giai điệu then của bài “Ánh trăng bản Giốc” của nhạc sĩ Phạm Tịnh, nghệ nhân Hoàng Thị Bích Hồng được nhận những tràng pháo tay của khán giả. Lời ca dặt dìu tha thiết, khi tươi vui rộn ràng quyện hòa như suối chảy, gió reo, tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, chào mời, níu kéo người nghe tìm đến.
Được hỏi về sự nghiệp hát then của mình, nghệ nhân Bích Hồng chia sẻ: Những giai điệu then, thanh âm của đàn tính thấm vào người từ thuở nằm nôi, qua lời ru của mẹ. Bà được tuyển vào người Đoàn Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc năm 17 tuổi. Bà mang tiếng tính, câu then đi phục vụ đồng bào các dân tộc Việt Bắc cho đến ngày nghỉ hưu, nhưng với tấm lòng giữ gìn vốn quý của dân tộc, bà tìm đến với những người mê lời then, tiếng tính ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương và ở Tp. Thái Nguyên để truyền dạy lại cho lớp trẻ câu hát, tiếng đàn. Nghệ nhân tâm sự, hát then với bà như đã ngấm vào máu, vào tim, đi tới nơi đâu thì mạch nguồn hát then vẫn như còn theo mãi.
Bà nắm giữ thành thục những kỹ năng về hát then, đàn tính, hát bụt cổ, then cổ, khả năng độc tấu đàn tính thành thạo, chuyển thể các làn điệu then để viết lời. Bà nắm vững các giai điệu then của các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Bởi vậy, bà càng yêu sau sắc điệu tính câu then của quê hương mình, đó là cái hồn cốt của người nghệ nhân. Chính bởi vì say, vì yêu làn điệu then của quê hương mình, bà luôn đau đáu, gìn giữ, bảo tồn làm sao lan tỏa, truyền dạy câu hát giàu bản sắc ấy cho thế hệ sau.
Năm 2007, Câu lạc bộ (CLB) Đàn tính hát then tỉnh Thái Nguyên được thành lập và nghệ nhân Bích Hồng được bầu làm chủ nhiệm. Ngoài việc truyền dạy, bà còn cùng thành viên CLB dày công sưu tầm các bài then cổ, đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu then và dân ca để tìm ra nét riêng của then Thái Nguyên.
Bà Hồng nhớ lại, những ngày CLB mới thành lập trên cơ sở tự nguyện, nên không hề có bất kỳ kinh phí nào hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt. Không có địa điểm sinh hoạt nên các thành viên trong CLB thường tập trung ở nhà bà tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên để sinh hoạt từ 2 đến 4 lần/tháng. Mọi chi phí đi lại, ăn ở các thành viên đều tự túc. Nhưng niềm say mê nghệ thuật và ước mong truyền lửa cho thế hệ sau của các nghệ nhân đã vượt lên trên mọi khó khăn.
Một bất ngờ là ngay sau khi thành lập CLB, tiếng tính, câu then cất lên rộn ràng đã tạo được sức hấp dẫn với bao người mê hát then, chơi đàn tính. Nhiều nghệ nhân ở những bản làng xa xôi của các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương tìm về đăng ký tham gia CLB. Từ khi mới thành lập CLB chỉ có 18 thành viên, đến nay đã phát triển lên hơn 100 thành viên, ngoài người dân tộc Tày, Nùng còn có người dân tộc Kinh, dân tộc Dao.
Với tất cả sự say mê, nỗ lực, ước nguyện gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật then, nghệ nhân Bích Hồng cùng các nghệ nhân khác trong CLB đã và đang góp phần làm tươi mới, sinh động hình thức sinh hoạt truyền thống của loại hình nghệ thuật này. Các nghệ nhân càng phát huy vai trò của mình, góp phần thành lập thêm nhiều CLB hát then ở cơ sở, giúp nhiều người, nhất là thế hệ trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Các nghệ nhân tuy không giàu về vật chất, mỗi người một hoàn cảnh, một công việc nhưng đều có một điểm chung: rất nhiệt tình, đam mê nghệ thuật và ước mong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở tuổi gần 80 nhưng dường như niềm đam mê ấy vẫn còn nguyên vẹn, nhưng còn đó, những trăn trở của người nghệ nhân với điệu then quê hương, bà vẫn không ngừng rèn luyện mình, bền bỉ, tự đào tạo mình, công hiến, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc để ngọn lửa này tiếp tục được truyền từ thế hệ này đến thế hệ mai sau.
Đến nay bà đã truyền dạy cho hơn 700 học viên, em nhỏ nhất mới học lớp 3, người cao niên nhất đã 86 tuổi. Nhiều người tiếp nối để trực tiếp trở thành những người tham gia vào công cuộc gìn giữ các giá trị văn hoá của dân tộc. Qua những buổi truyền dạy, nghệ nhân Hồng rất phấn khởi khi nhận thấy người dân, nhất là lớp trẻ ngày nay đã hiểu, yêu hơn những câu hát then, đàn tính.
Bà tâm sự: Chứng kiến những em nhỏ hát Then rất say sưa cùng ông bà, bố mẹ; những em học sinh biểu diễu hát then đàn tính trong các cuộc thi của trường tổ chức thời gian gần đây, bà rất hạnh phúc, tất cả đã trở thành động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để duy trì hoạt động...
Đã gần 60 năm gắn bó, tâm huyết với điệu tính câu Then. Năm 2022, nghệ nhân Hoàng Thị Bích Hồng đã vinh dự là một trong 64 nghệ nhân trên cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Đó là vinh dự, tự hào, và cũng thêm phần trách nhiệm của người nghệ nhân ở cái tuổi thất thập với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mình đang nắm giữ. Năm 2023, bà vinh hạnh được tặng Bằng khen điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực VHTT&DL toàn quốc.
Chia tay tôi, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng chia sẻ nguyện vọng: “Ước nguyện lớn nhất của bà là có thể truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, và được đông đảo nhân dân, bạn bè quốc tế biết đến tất cả những giá trị nghệ thuật đàn Tính, hát Then của dân tộc Nùng đang được bà nắm giữ.
Hy vọng, hát then sẽ được bảo tồn và phát huy những di sản này vẫn thật sự tương xứng và lớp trẻ phải đam mê, hiểu, yêu hơn những câu hát Then, đàn Tính, để giữ gìn làn điệu quê hương bay cao, bay xa hơn nữa. Những giá trị văn hoá dân gian cũng vì thế sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc''.
Hát Then trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là "điệu hát thần tiên", điệu hát của “Trời”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Hát Then bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên Then thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời, mang tính nhân văn sâu sắc.
Với Thái Nguyên, Định Hóa chính là trung tâm của vùng di sản văn hóa phi vật thể này. Tại huyện Định Hóa, dân tộc Tày và dân tộc Nùng chiến tới 65% dân số toàn huyện, trong đó hầu hết 24 xã, thị trấn đều có các mô hình câu lạc bộ, nhóm sở thích duy trì hoạt động văn hóa hát Then, đàn tính đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của một vùng di sản.