Đời sống xã hội

Giá trị thực tiễn trong công tác bảo tồn văn hóa của các dân tộc ở Đắk Nông

Hạnh 25/11/2023 - 18:06

Phát triển văn hóa luôn là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, với quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đắk Nông đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực với phương châm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng”.

Tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2004 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Đắk Lắk. Trên địa bàn tỉnh có 40 dân tộc cùng sinh sống, chiếm tỷ lệ 32% so với dân số toàn tỉnh. Có 3 dân tộc thiểu số tại chỗ là M’nông, Mạ và Ê Đê chiếm 10,3% dân số toàn tỉnh và 32,45% so với tổng số đồng bào dân tộc thiểu số.

25-11-det-truyen-thong.png
Dệt truyền thống

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, ông Lê Ngọc Quang cho biết: “Mỗi dân tộc, vùng đất đều có hồn cốt, văn hóa riêng. Trong những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn, kế thừa di sản văn hóa dân tộc bản địa cho cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong ba trụ cột là phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa. Cụ thể hóa nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 27-Ctr/TU về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vạt thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2021-2025”.

Các dân tộc bản địa M'nông, Mạ và Ê Đê có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng, đặc biệt là văn hóa dân gian. Ngoài những di sản văn hóa phi vật thể như: Các nghi lễ - lễ hội, truyện cổ, lời nói vần, luật tục sử thi (Ot N'drông) với tầm vóc và số lượng đồ sộ hàng ngàn, hàng vạn câu văn vần, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng cùng với những làn điệu dân ca, dân nhạc đã góp phần làm nên "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Họ còn là chủ nhân của nhiều hiện vật văn hóa độc đáo như Đàn đá Đắk Kar ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp.

25-11-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-cong-chieng-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-dak-nong.png
Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Cư dân bản địa Đắk Nông sống tập trung thành từng đơn vị hành chính (bon), có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trong dòng chảy văn hóa các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên (không gian văn hóa cồng chiêng). Sự gắn kết về không gian sống đã tạo nên một sự gắn bó mật thiết khiến những đặc trưng văn hóa các dân tộc bản địa tự thân đã có sức sống tương đối bền vững.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển tất yếu của xã hội, cùng với sự du nhập khá ồ ạt của văn hóa các dân tộc khắp cả nước cư trú ở vùng đất này nên vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa Đăk Nông đứng trước những thách thức không nhỏ: Một số sử thi bị lãng quên; lễ hội bị mai một; số lượng nghệ nhân am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc rơi rụng dần; không gian sống, không gian văn hóa bị thu hẹp đáng kể. Nhất là quan niệm của một bộ phận giới trẻ người M’nông, Mạ, Ê Đê có xu hướng đi theo lối sống hiện đại, quên lãng dần văn hóa truyền thống.

Theo Sở Văn hóa Thể thao – Du lịch tỉnh, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 186 bộ chiêng (trong đó 157 bộ chiêng M’Nông, 12 chiêng Mạ và 17 chiêng Ê Đê), một bộ đàn đá còn trong cộng đồng các dân tộc. Toàn tỉnh có 698 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 53 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống, khoảng 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ. 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Khoảng 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quan truyền thống của dân tộc mình.

Nhìn vào những con số như trong báo cáo của ngành văn hóa Đắk Nông, có thể khẳng định công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở Đắk Nông đã đạt được thành quả đáng khích lệ. Đó là sự kết hợp có chọn lọc, có chủ đích giữa các thành tố văn hóa dân gian như lễ hội, hoa văn, trang phục, các loại hình âm nhạc dân gian gắn với đặc điểm không gian sống của cộng đồng dân tộc.

25-11-doan-nghe-nhan-tinh-dac-nong-bieu-dien-cong-chieng-tai-trien-lam-the-gioi-expo-2020-o-dubai..png
Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắc Nông biểu diễn cồng chiêng tại triển lãm thế giới Expo 2020 ở Dubai.

Đặc biệt, việc tổ chức khôi phục lễ hội, tạo môi trường diễn xướng và thể hiện của các loại hình nghệ thuật dân gian được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông chú trọng. Nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo và đặc biệt là công tác truyền dạy từ người cao tuổi đến các nghệ nhân tới thế hệ sau được quan tâm tổ chức.

Tỉnh cũng đã thí điểm đưa vào các trường phổ thông dân tộc nội trú những bài giảng về di sản văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên dạy hát nhạc và học sinh các trường phổ thông trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp tổ chức quản lý hoạt động văn hóa dân gian cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bon và các nghệ nhân là nòng cốt ở các địa phương; tổ chức các kênh truyền dạy cho nhiều đối tượng là người dân tộc tại chỗ yêu thích loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống.

Đối với tỉnh Đắk Nông, hoạt động truyền dạy và tập huấn được coi là then chốt giúp các “chủ thể” có thể tự bảo vệ, lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tại cuộc “Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai” tổ chức ở Tiểu vương quốc Ả Rập, nghệ nhân H’Yon ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp xúc động nói: “Tôi không ngờ, một ngày chúng tôi lại được ra nước ngoài, để trình diễn nét văn hóa của dân tộc mình cho bạn bè thế giới thưởng thức”.

Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Nông, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc của tỉnh, đã mang lại những giá trị thiết thực. Việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch, sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ góp phần phát triển đời sống kinh tế-xã hội của địa phương.

Hạnh