Văn hóa

Lễ cúng mừng sức khỏe - Truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê

Hải Thanh - Phạm Minh 25/11/2023 - 08:04

Người Ê Đê sống trên vùng đất Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Từ xưa đến nay, cũng giống như lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng hồn lúa, người Ê đê ở Đắk Lắk quan niệm lễ cúng cầu sức khỏe là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Lễ cúng sức khỏe là nghi lễ quan trọng của đời người, nên trước khi tổ chức bà con họp bàn rất kỹ, chọn ngày lành tháng tốt, đi mời thầy cúng và người thân gần, xa về dự. Việc này nhằm thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Họ cầu mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên che chở, phù hộ cho con cháu, người trong gia đình được khỏe mạnh, phát triển thành đạt.

le-vat-da-duoc-chuan-bi-san-sang..jpg
Lễ vật đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Theo truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê, người lớn trong nhà từ 50 tuổi trở lên sẽ được con cháu làm lễ chúc sức khỏe, tạ ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng. Lễ chúc sức khỏe của một người Ê Đê sẽ được tổ chức ở các độ tuổi 50, 60 hoặc 70 tuổi. Tùy theo tuổi, mỗi lần chúc sức khỏe, tạ ơn cha mẹ sẽ có những lễ vật hiến sinh khác nhau.

Ngày lành tháng tốt đã đến, bà con họ hàng gần xa có mặt đông đủ. Trước khi thực hiện cúng sức khỏe, chủ nhà chuẩn bị rất nhiều lễ vật, thanh niên phụ giúp người già chuẩn bị cây nêu, buộc rượu, treo chiêng. Đàn ông tuổi trung niên làm thịt heo, chuẩn bị lễ vật, còn chị em phụ nữ thì giã gạo, hái rau rừng chuẩn bị các món ăn truyền thống của người Ê Đê.

cung-cho-cong-chieng-cung-la-nghi-le-bat-buoc-co-trong-le-cung-suc-khoe-nay..jpg
Cúng cho cồng, chiêng cũng là nghi lễ bắt buộc có trong Lễ cúng sức khỏe này.

Vào đầu lễ cúng, thầy cúng mời người được cúng sức khỏe ngồi vào chiếc chiếu hoa được trải sẵn. Những tiếng ngân vang của dàn chiêng, trống vừa dứt, thầy cúng bắt đầu khấn, mời thần núi thần sông, tổ tiên, ông bà về chứng giám và mời họ về dự lễ cùng gia chủ; cầu mong thần linh phù hộ cho các thành viên gia đình được sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, con cái học hành đến nơi đến chốn.

thay-mo-nguoi-e-de-thuc-hien-le-cung-cau-mong-suc-khoe-cho-nguoi-dan..jpg
Thầy mo người Ê Đê thực hiện lễ cúng cầu mong sức khỏe cho người dân.

Tiếp theo là nghi thức cúng sức khỏe, lúc này tiếng cồng chiêng lại rộn rã vang lên. Thầy cúng mời người được cúng ngồi xuống bên ché rượu. Đầu tiên ông đeo vòng cho gia chủ rồi trao cho cần rượu. Sau đó chủ lễ vừa nắm tay chủ nhà, miệng đọc lời khấn cầu sức khỏe.

nghi-thuc-quan-trong-nhat-trong-le-cung-suc-khoe-la-le-deo-vong-cho-nguoi-duoc-cung..jpg
Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ cúng sức khỏe là lễ đeo vòng cho người được cúng.

Sau lễ này là đến nghi thức uống rượu cần, nghi thức uống rượu cũng theo thứ tự của lễ chúc mừng. Sau đó, gia chủ mời tất cả ăn cơm nếp, ăn cơm tẻ, ăn thịt heo nướng, thưởng thức tiếp hương vị rượu cần của các ché vừa được bổ sung. Vừa ăn, mọi người vừa được xem các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng…

cac-thanh-vien-trong-gia-dinh-cung-nhap-nhung-ngum-ruou-can..jpg
Các thành viên trong gia đình cùng nhấp những ngụm rượu cần.

Cứ như thế đồng bào dân tộc Ê đê tùy vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế mà tổ chức lễ cúng mừng sức khỏe cho con cháu trong gia đình mình. Dù linh đình hay đơn giản thì từ sâu trong tâm thức của người dân đồng bào dân tộc Ê đê muốn tỏ lòng thành kính tới các đấng thần linh và mong muốn các thần linh che chở phù hộ cho con, cháu, buôn làng.

hoa-theo-nhip-chieng-dong-bao-mua-hat-mung-suc-khoe..jpg
Hòa theo nhịp chiêng đồng bào múa hát mừng sức khỏe.

Lễ cúng sức khỏe không chỉ là phong tục độc đáo nằm trong nghi lễ vòng đời người của đồng bào Ê đê. Mà đây còn là môi trường giáo dục văn hóa truyền thống và đề cao những giá trị cao đẹp của gia đình mẫu hệ trong cuộc sống cộng đồng.

Hải Thanh - Phạm Minh