Măng Gry vào hội cúng máng nước
Những giá trị độc đáo trong nghi thức lễ cúng máng nước của đồng bào dân tộc Ca Dong đã được tái hiện tại không gian làng Măng Gry (thôn 1, xã Trà Vinh, Nam Trà My) vào sáng nay 23/11, mang đến cho du khách những điểm nhìn văn hóa đầy màu sắc.
Theo ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, toàn bộ chương trình phục dựng lễ cúng máng nước độc đáo này được thực hiện dựa trên nguyên bản lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong, với sự góp mặt của đông đảo người dân và du khách.
Nghi thức cầu mùa
Một hồi trống được đánh vang, từ trong ngôi nhà của già làng Hồ Văn Dề, không lâu sau, một nhóm người Ca Dong ở làng Măng Gry tìm đến. Họ sắp đặt trên sàn một dãy chiêng trống, phía sau là già làng và những cô gái trẻ. Chén rượu được rót ra, mời nhau uống cạn, trước khi ngược núi đến nguồn nước để cúng thần rừng.
Già làng Hồ Văn Dề dẫn đoàn hướng cánh rừng phía sau ngôi làng. Họ mang theo lễ vật cúng, cùng các cây nêu loại nhỏ, đi trong reo hò. Không gian nguồn nước được sắp đầy cây gỗ, nơi để đặt mâm cúng, cùng con heo tế thần rừng.
"Hôm nay, dân làng đến đây để xin thần rừng, thần nước cho chúng tôi đưa nguồn nước về, cầu mong mùa màng được tốt tươi, dân làng được no đủ". Già làng Hồ Văn Dề vừa dứt lời, cặp nứa được thả xuống cho lật đều, hàm ý thần linh đồng ý. Ngay lập tức, những người tham gia lễ cúng buộc từng sợi chỉ vào cổ tay già làng, như gửi gắm niềm tin của cộng đồng.
Những bài cúng lần lượt được thực hiện, trước khi già làng dùng cây tre nhọn chọc lấy huyết của con heo theo nghi thức truyền thống. Máu heo hòa trong dòng nước chảy về làng, ở dưới máng đặt cạnh cây nêu, những người phụ nữ đã đợi sẵn, họ dùng ống lồ ô hứng đầy nước đầy, mang về nhà dùng để nấu ăn.
Cuộc sống sinh tồn, người Ca Dong thường chọn nguồn nước ở sâu trong khu rừng già. Hằng năm, khi vào thời điểm giao mùa giữa năm cũ và năm mới, đồng bào Ca Dong lại nhộn nhịp tiếng cồng chiêng, cùng vào hội cúng máng nước.
Trước khi tổ chức lễ cúng, cộng đồng làng chuẩn bị 3 con gà trống, cùng 2 con heo để tế lễ. Sau khi cây nêu dựng xong, tất cả đàn ông trong làng mang lễ vật vào địa điểm lấy nước ở đầu nguồn con suối.
Tại đây, các già làng đọc bài khấn trong lễ tế thần, gửi đi thông điệp cầu nguyện cho dân làng có một mùa màng bội thu, ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận lợi, đoàn kết, cho nguồn nước trong lành quanh năm.
Ông Trần Quốc Hải - Người có uy tín thôn 1 cho biết, sau lễ tế thần, từng hộ gia đình sẽ dùng một ống nứa rừng múc nguồn nước dưới suối đã được hòa với tiết gà, tiết heo mang về nhà nhóm bếp nấu cơm.
"Các thanh niên trong làng sẽ đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng. Khi nguồn nước về tới máng của làng nằm cạnh cây nêu, già làng cắt tiết một con gà nữa để tạ ơn thần linh đã cho nước về với dân làng" - ông Hải cho hay.
Tôn vinh cộng đồng
Khi già làng hành lễ, thanh niên đứng vây quanh cây nêu, chứng kiến nguồn nước mới của làng. Sau đó, tiến hành mổ heo và chia cho từng gia đình, để lại một phần tại máng nước. Phần này là của chung, dân làng sẽ tập trung tại nhà rông (nhà già làng) để cùng ăn, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng keo sơn bền chặt.
Cả làng Măng Gry mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Tất cả hộ dân trong làng đều nấu rượu cần, cơm lam để đãi khách. Những già làng Ca Dong cho hay, thông thường phần hội của lễ cúng máng nước diễn ra trong khoảng 15 ngày. Từ nhà này đến nhà khác, từ nóc này đến nóc khác, họ cùng nhau vui múa, cùng nhau uống rượu cần, ăn thịt và chúc phúc.
Theo Chủ tịch UBND xã Trà Vinh - Trần Văn Thương, lễ cúng máng nước có ý nghĩa tôn vinh cộng đồng, như dịp để mừng một năm sản xuất nông nghiệp, tôn vinh nghề nông - hoạt động sản xuất quan trọng trong đời sống kinh tế của đồng bào. Đồng thời tôn vinh người nông dân và đặc biệt là thể hiện sự tôn trọng, trân quý đối với các vị thần linh cai quản vùng đất.
Vì thế, cúng máng nước được xem như một lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Ca Dong, với sự chuẩn bị chu đáo của cộng đồng. Bởi nguồn nước có vai trò đặc biệt, là mạch nguồn của sự sống.
“Lễ cúng máng nước thể hiện sự tôn trọng, trân quý đối với thần nước, thần núi và thần lúa… Đây cũng là dịp để khơi dậy niềm tự hào của đồng bào đối với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến phát triển du lịch trên địa bàn huyện” - ông Thương nói.