Gương sáng

Phát triển kinh tế từ nghề đan lát ở Rờ Kơi

Trang Trần 24/11/2023 - 08:51

Những chiếc gùi, rổ, rá độc đáo được làm từ tre nứa không những góp phần phát triển kinh tế mà còn duy trì nghề đan lát truyền thống của người Hà Lăng (nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum). Với bàn tay khéo léo, những nghệ nhân đan lát đã biến tre nứa thành những vật phẩm có giá trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chiếc gùi trên tay nghệ nhân A Đeng (80 tuổi, làng Gia Xiêng) đang vào công đoạn cuối cùng đểhoàn thành. Vừa trò chuyện với chúng tôi, đôi bàn tay của nghệ nhân A Đeng vừa liến thoáy như đang múa trên chiếc gùi. Ở xã Rờ Kơi này, ông A Đeng khá nổi tiếng vì là một trong những nghệ nhân có tài đan lát khéo và nhanh nhất nhì xã.

Theo lời của nghệ nhân A Đeng, nghề đan lát của người Hà Lăng đã có từ rất lâu, được truyền lại hàng trăm năm nay, các sản phẩm được bán rộng rãi trên khắp tỉnh, khách hàng rất thích các đồ đan lát của người dân nơi đây.

Nghệ nhân A Đeng kể, trong gia đình khi người con trai lớn lên sẽ được cha ông mình dạy lại cho nghề đan lát. “Người dân chúng tôi rất tự hào khi có người nhận xét, chỉ cần nhìn vào chiếc gùi, hay cái rổ, cái rá cho đến cái nia là đủ biết sự khéo léo, chăm chỉ, cần cù của người đàn ông Hà Lăng. Chính vì thế, năm 20 tuổi, tôi đã thành thạo đan gùi, rổ, rá để dùng trong sinh hoạt hằng ngày…”, nghệ nhân A Đeng chia sẻ.

img_3440.jpeg
Sản phẩm gùi có thể tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người Hà Lăng.

Được biết, người Hà Lăng có rất nhiều loại gùi, phổ biến là “Kak”-loại gùi không có nắp nhưng đan dày khít, với nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, dùng để đựng lúa, đựng rau, đồ đạc trong nhà. Chiếc gùi “Ktúp” để bỏ gạo vào sàng sảy sau khi lúa được giã bong vỏ trấu. Đặc biệt là chiếc gùi “Krok” được đan bằng mây kỹ càng, tinh xảo, có nắp đậy, hình thù giống như chiếc ba lô bây giờ. Từ trước đến nay, gùi “Krok” luôn là vật bất ly thân của đàn ông Hà Lăng khi đi rừng; dùng để đựng cơm, đựng chim thú khi đi săn. Đeo trên vai, gùi “Krok” nằm gọn trên lưng nên rất gọn nhẹ, dễ di chuyển.

Nếu như nghệ nhân A Đeng thành thạo đan lát từ rất sớm thì già A Ling (83 tuổi, làng Đăk Đe) chỉ sau khi nghỉ hưu mới được học và biết đan lát. Già A Ling cho hay: “Lúc nghỉ hưu tôi đã 54 tuổi, thời điểm đó mới bắt đầu mày mò học đan lát, ngày nào cũng sang nhà anh trai ở bên kia đường để học từ những cái cơ bản đến cái khó nhất. Tôi phải mất hơn một năm để thành thạo và đan hoàn chỉnh chiếc gùi, chiếc rổ đơn giản”.

Để hoàn thiện một sản phẩm như gùi, rổ, rá,…phải trải qua khá nhiều công đoạn. Cụ thể, bắt đầu từ việc lên rừng tìm kiếm lồ ô, tre, nứa. Lựa chọn bước đầu càng kỹ thì sau này ra thành phẩm mới đẹp, mới chất lượng. Sau khi có tre, nứa, lồ ô… nghệ nhân phải chẻ ra nhiều sợi nan nhỏ mới tiến hành đan. Đối với các sản phẩm có yêu cầu họa tiết, hoa văn thì khâu chuẩn bị phải tốn nhiều thời gian hơn. Người nghệ nhân phải dành nhiều thời gian để tính toán, đếm sợi, chia sợi để tạo nên một sản phẩm đan đẹp nhất.

img_3441.jpeg
Những bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã biến tre, nứa… thành những sản phẩm có giá trị.

Theo những nghệ nhân, ngoài những vật dụng được dùng trong sinh hoạt thì gùi là sản phẩm họ chú tâm sản xuất bởi vì đó là sản phẩm đặc biệt yêu thích của du khách thập phương. Sản phẩm gùi có thể tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người Hà Lăng ở nơi đây.

Tùy vào kích cỡ mà thời gian hoàn thiện những chiếc gùi cũng khác nhau. Nếu người nghệ nhân thành thạo, quen việc thì chỉ mất từ 2 đến 3 ngày là xong một chiếc gùi. Giá bán của một chiếc gùi cũng phụ thuộc vào hoa văn, mẫu mã, độ khó và kích thước to nhỏ. Một chiếc gùi đơn giản thường dao động từ 150.000 - 300.000 đồng, những chiếc gùi có hoa văn giá từ 700.000 đồng đến gần 1 triệu đồng. Hiện nay, những nghệ nhân có tay nghề cao còn làm thêm mô hình nhà rông, gùi nhỏ, túi đựng chiêng… để bán cho khách hàng trong, ngoài xã và những du khách trên mọi miền tìm về.

Anh A Tiai (30 tuổi, làng Rờ Kơi) là người được già A Ling truyền nghề đã trở thành một trong những người trẻ có tay nghề đan lát khá cao ở xã Rờ Kơi,phấn khởi nói: Thấy nghề đan lát mang lại thu nhập nên mình cũng đến học lại nghề từ già A Ling. Được già A Ling dạy tận tình, đến nay mình đã biết đan lát các loại vật dụng như gùi, rổ, thúng,…Những ngày nông nhàn, mình tranh thủ lên rừng kiếm tre, nứa mang về nhà đan để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

“Trong những đồ đan lát của người Hà Lăng, gùi là một trong những sản phẩm đan khó nhất. Đối với những chiếc gùi phải đan 2 lớp đòi hỏi người nghệ nhân phải cần mẫn, kiên trì và đặc biệt phải khéo léo. Còn đối với những chiếc gùi có hoa văn, họa tiết đặc sắc thì người làm phải biết cách tư duy, sắp xếp bố cục để cho ra một sản phẩm chất lượng, thể hiện được văn hóa dân tộc của mình”- anh A Tiai cho biết thêm.

Được biết, hiện nay toàn xã có gần 90 người biết đan lát và 30 người có thu nhập từ nghề này. Các sản phẩm của những nghệ nhân làm ra như gùi, rổ, rá, nia,… được khách hàng trong và ngoài xã ưa chuộng và đặt mua nhiều. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại không mấy mặn mà với việc đan lát. Hy vọng rằng với những bàn tay khéo léo, kinh nghiệm cùng sự tận tình truyền dạy nghề của các nghệ nhân, nghề truyền thống đan lát của người Hà Lăng nơi làng Rờ Kơi được tiếp tục truyền nối cho lớp trẻ.

Trang Trần