Đời sống xã hội

Bước chuyển mình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận

Ái Vân 23/11/2023 - 06:05

Huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, là nơi có gần 70% người Chăm và người Raglai sinh sống. Kể từ khi hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, bao phủ rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi… đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dần dần khởi sắc.

22-11-ha-tang-giao-thong-huyen-bac-ai-tinh-ninh-thuan-duoc-dau-tu-dong-bo-thong-thoang-anh-nguon-internet-.jpg
Hạ tầng giao thông huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được đầu tư đồng bộ, thông thoáng (Ảnh nguồn Internet)

Nhờ được thụ hưởng từ các chính sách dân tộc, nhất là qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII về phát triển kinh tế xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, cơ sở hạ tầng của địa phương đang được đầu tư, nâng cấp, đổi thay từng ngày. Từ nguồn kinh phí phân bổ của Trung ương và nguồn kinh phí phân bổ của tỉnh, huyện Thuận Bắc đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng kênh mương nội đồng, thuỷ lợi để đảm bảo nước tưới tiêu cho bà con.

Quá trình chuyển đổi cây trồng đạt được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình đạt năng suất, giá trị cao như mô hình của anh Mang Trưởng, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc. Được sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ kỹ thuật khuyến nông, anh Trưởng đã mạnh dạn chuyển đổi một sào đất lúa sang trồng măng tây xanh từ 3 năm nay. Đến nay, mỗi ngày vườn măng tây của anh cho thu hoạch từ 4 - 5kg, với giá bán 50.000 nghìn đồng/1kg, gia đình anh thu về 200 nghìn/1 ngày.

Không chỉ có gia đình anh Trưởng, mà thu nhập bình quân của nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thuận Bắc cũng dần tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 3-4%/năm.

Ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, các địa phương đang tập trung hỗ trợ các đề án phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo với các mô hình nổi bật như: Mô hình trồng bắp lai, mì cao sản, các loại cây ăn quả, thực hiện có hiệu quả 19 cánh đồng lúa lớn, măng tây, bắp lai… với diện tích gần 2.500 ha ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ trương phát triển tổng đàn gia súc theo hướng hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ được quan tâm, trú trọng. Với tổng đàn gia súc hiện nay với hơn 300.000 con. Đặc biệt, các hộ nằm trong diện được hưởng lợi từ chương trình, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thành lập các tổ, nhóm, liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đưa giá trị sản phẩm vật nuôi được nâng lên đáng kể, trở thành hướng đi chủ lực trong việc nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững

Có thể thấy rõ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Ninh Thuận đang chuyển mình, vươn lên trên mọi mặt. Hệ thống giao thông phát triển nhanh chóng, 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoá hoặc nhựa hoá. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, dịch vụ chăm sóc y tế, trợ cấp học sinh nghèo đến trợ giúp pháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào đều được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Ông Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để không ai bị bỏ lại phía sau là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19-NG/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực đân tộc thiểu số trên 3%/năm.

Ái Vân