Sắc màu truyền thống chợ phiên Tủa Chùa
Tủa Chùa (Điện Biên) không chỉ nổi tiếng bởi những sản vật phong phú, với những danh lam thắng cảnh, mà vùng đất này còn nổi bật hơn khi có những nét đẹp văn hóa truyền thống của 7 đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống. Dù cuộc sống ngày càng phát triển, nhưng chợ phiên Tủa Chùa cuối tuần vẫn luôn là ngày hội với nhiều sắc màu.
Chợ phiên là nét văn hóa không thể thiếu của đồng bào người dân tộc thiểu số vùng cao. Cuộc sống chưa đủ đầy và dẫu có phải đi bộ vài ba cây số, nhưng không thể không đến chợ phiên. Bởi, chợ phiên đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, hẹn hò, trao duyên và chợ phiên cũng là nơi trao đổi, mua bán, thưởng thức các sản vật. Từ lâu, chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao Tủa Chùa.
Chợ phiên thị trấn Tủa Chùa mỗi tuần họp một lần. Phiên chợ được họp vào ngày con giáp hay còn gọi là chợ lùi, chẳng hạn chợ tuần trước họp vào chủ nhật thì sang tuần kế tiếp sẽ họp vào thứ bảy. Ngoài ra, Tủa Chùa còn có chợ phiên Xá Nhè được họp vào ngày Mão và ngày Dậu và chợ phiên Tả Sìn Thàng, lại được họp vào ngày Tý và ngày Hợi.
Chợ phiên Xá Nhè nguồn gốc từ dân tộc Mông, một dân tộc đã khai phá ra vùng đất này từ ngàn năm trước. Người đến chợ cũng đa dạng, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ những em bé chỉ vài tháng tuổi say sưa ngủ trên lưng mẹ, đến những chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi cặp kè, đến những cụ già tóc đã bạc, lưng đã còng nhưng vẫn đủ sức băng núi xuống chợ. Không chỉ có người Mông, mà cả người Kinh, người Thái, người Dao, người Xạ Phang mỗi dân tộc đều mang một màu sắc, một nét văn hóa khác nhau, nhưng đều hội tụ tại chợ phiên này.
Họ đến chợ mang theo những mục đích khác nhau, có thể là để trao đổi, mua bán những sản vật mà mình có, như rau cỏ, hoa quả, xôi nếp, bánh dày, bánh rán; cả những chú dê, chú lợn, những con gà to khỏe, con vịt béo ngậy, tất cả đều là gia đình tự chăn thả, tự chăn nuôi, gieo trồng.
Đồng thời, khi đến chợ, họ có thể để nói chuyện, hàn huyên cùng những người bạn tâm giao, có thể là những chàng trai, cô gái đã bén duyên chỉ mong ngày chợ để gặp lại nhau. Hoặc đơn giản, chỉ vì để thưởng thức hương vị cay nồng, ngọt đượm của tô phở, tô bún được bày bán tất cả đã hun đúc lên một nét đẹp văn hóa, một vẻ đẹp mộc mạc đậm đà bản sắc văn hóa.
Thứ níu chân người dân ở lại chợ phiên đến tận xế chiều, chính là rượu. Rượu Mông Pê nơi đây không chỉ đặc biệt bởi hương vị nồng ấm, thơm ngào ngạt của những hạt ngô nương, mà quý giá bởi nó là thứ kết tinh những nỗi khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống phải đấu tranh, sinh tồn với sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với niềm khát khao, mong mỏi, khắc khoải của con người, nó còn là những tâm giao của mối thân tình mộc mạc và sâu sắc, những tri kỉ nơi miền sơn cước này.
Chợ phiên vùng cao Tủa Chùa là cả một không gian văn hóa đậm đà, sắc nét. Nó chứa đựng những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Có thể là váy áo xúng xính, là tiếng khèn du dương, là rượu ngô cay nồng của dân tộc Mông; Là những đồng bạc trắng sáng, câu hát tâm tình, điệu nhảy sạp, vị mắc khén thơm lừng của dân tộc Thái; là chiếc kẹo kéo dẻo ngọt, sắc chỉ thêu óng ả, mùi thảo quả ngào ngạt phả vào trong gió của dân tộc Xạ Phang; là những con dao được rèn sắc, những gùi sắn còn thơm mùi đất của dân tộc Dao. Tất cả những thứ đó, hội tụ lại nơi chợ phiên của vùng đất này, như từng chi tiết tí xíu được thêu tỉ mỉ trên chiếc váy của phụ nữ Mông, như từng nét vẽ tinh tế, điểm tô cho bức tranh núi rừng Tủa Chùa thêm sống động, thêm đắm say lòng người.
Đến với chợ vùng cao, cái hút ánh mắt người ta chính là sắc màu của những bộ trang phục dân tộc truyền thống. Trang phục là di sản văn hóa hiện hữu, làm nên nét độc đáo cuốn hút của những phiên chợ vùng cao, được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc. Các cô gái mong đến ngày chợ, để được khoác trên mình những bộ váy áo rực rỡ nhất, đẹp nhất, mà ngày thường không có dịp trưng diện.
Ông Thào A Khay ở bản Háng Sáng, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa cho biết: “Thường ngày, tôi đi làm nương. Để có thêm thu nhập và gặp gỡ người quen, chủ nhật nào tôi cũng xuống chợ bán hàng. Nhà trồng cái gì, tôi bán cái đó”.
Khi chợ đã dần về trưa, là lúc mọi người trong chợ phiên tìm đến quán ăn, những quán ăn trong chợ thô sơ, đơn giản nhưng ấm cúng. Họ không cầu kì trong chuyện ăn uống. Ngày thường thì có cơm nóng, thêm ít rau ninh nhừ, chút nước sôi để nguội ăn cùng là đủ bữa cơm gia đình rồi. Cả tuần mới có một ngày chợ phiên, có nhiều món ăn hấp dẫn hơn.
Với bát phở nóng, bát bún với vị ngọt của nước xương và mùi thơm của rau sống ăn cùng, nên các hàng bún, phở bao giờ cũng đông khách nhất. Sau một ngày đầy ắp tiếng nói, cười, lúc mặt trời xế bóng cũng là lúc mọi người chia tay nhau trở về với công việc thường ngày, hẹn gặp tiếp tại phiên chợ sau.
Ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của huyện Tủa Chùa là duy trì, bảo tồn cảnh quan và đảm bảo môi trường sinh thái cùng lưu giữ bản sắc văn hóa. Huyện chúng tôi mong muốn là phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo về sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên”.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào dân tộc đã được đổi thay, phát triển hơn. Nhưng bản sắc văn hóa độc đáo của chợ phiên vẫn còn được lưu giữ và phát huy. Sự đơn giản của không gian chợ cùng với sự gần gũi, mộc mạc mà chân thành, tình nghĩa của người dân nơi đây đã tạo nên nét hấp dẫn, sức hút riêng cho phiên chợ vùng cao Tủa Chùa, nơi mà con người sống chan hòa với thiên nhiên.