Kinh tế

Nỗ lực giảm nghèo ở Tạ Khoa

Minh Tuấn 22/11/2023 - 09:09

Tạ Khoa là xã vùng cao của huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La), có 6 bản, 984 hộ, với 4.576 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 35%. Cấp ủy, chính quyền xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Tạ Khoa, cho biết: Hằng năm, xã triển khai các chính sách giảm nghèo, lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, nhằm tạo động lực cho hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

snapedit_1700540664711.png
Đường nội bản Sập Việt, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, được bê tông hóa.

Bản Nhạn Nọc có 118 hộ, hơn 700 nhân khẩu. Nhân dân trong xã đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vì vậy đời sống ngày càng nâng cao. Ông Hoàng Văn Anh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Năm 2016, được sự hướng dẫn và hỗ trợ cây giống từ chính quyền địa phương, nhân dân trong bản chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn, chuối... Đến nay, bản có hơn 20ha xoài, nhãn và trên 200ha chuối, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.500 tấn quả các loại, nhờ đó, đời sống nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%.

Là một trong những hộ đi đầu trong thực hiện chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, đem lại hiệu quả kinh tế, anh Mùi Văn Thăm, bản Nhạn Nọc, chia sẻ: Được bản, xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, cùng với học hỏi qua sách, báo, mạng internet..., gia đình tôi chăm sóc tốt 2ha xoài, nhãn và gần 2,5ha chuối, cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, gia đình còn nuôi 20 con bò, 4 con hươu lấy nhung và hàng trăm con gia cầm. Tổng thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm, gia đình tôi đã thoát nghèo, từng bước làm giàu.

Hằng năm, xã Tạ Khoa phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở từ 10-15 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện và các công ty, doanh nghiệp, giới thiệu cho người lao động đi học nghề tại các trung tâm đào tạo, tìm kiếm việc làm... Đến nay, toàn xã có 1.000 lao động đi làm ở các công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh, thu nhập ổn định 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, xã còn phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho trên 350 hộ cận nghèo, mới thoát nghèo vay hơn 52 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 4,5%/năm; các tuyến đường nội bản, liên bản, trục chính nội đồng được bê tông hóa, với tổng chiều dài hơn 20 km, trong đó, gần 5km đường nội bản được lắp điện chiếu sáng; 10 phai thủy lợi được kiên cố, 13 kênh mương dài gần 15 km được cứng hóa, đảm bảo nước tưới tiêu gần 30 ha lúa 2 vụ; xây 153 lò đốt rác thải để bảo vệ môi trường. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Nỗ lực giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tạ Khoa đang tiếp tục đoàn kết, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Minh Tuấn