Tích cực tuyên truyền về giảm nghèo và an sinh xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội.
Là huyện có trên 90% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, bên cạnh triển khai đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác này, huyện Đồng Văn (Hà Giang) còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đúng đối tượng và mọi người dân. Nhờ đó, đời sống của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền tảng phát triển kinh tế và giảm nghèo.
Toàn huyện Đồng Văn có khoảng 7.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Hiện, huyện đang triển khai các chính sách đảm bảo ASXH của T.Ư, tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS, bao gồm: Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội và đảm bảo tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội như: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch…
Các chính sách này chủ yếu nằm trong dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, huyện cũng triển khai đầy đủ các chính sách ASXH theo các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Các chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn được thực hiện kịp thời đã giúp phần nào bảo đảm thu nhập và các điều kiện sinh sống ở mức tối thiểu cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Song song với các chính sách ASXH, chính sách giảm nghèo và tạo việc làm cũng được huyện triển khai thông qua các nhóm chính sách như: Chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, khuyến nông.
Các chính sách này đã giúp cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS thông qua khuyến khích họ tự phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng ỷ lại, góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, từng bước nâng cao thu nhập. Nhờ đó, kết quả tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm giảm: Năm 2021 giảm 6% tương đương với 991 hộ; năm 2022 giảm 6,2% tương đương 1.033 hộ; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn trên 60%.
Vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân đối với việc giảm nghèo bền vững và bảo đảm ASXH trên địa bàn, huyện Đồng Văn đã tổ chức Hội thi tuyên truyền về giảm nghèo và ASXH bằng hình thức sân khấu hóa. Hội thi đã thu hút đông đảo và tạo sự lan tỏa sâu rộng trong bà con nhân dân các xã, thị trấn. Các phần thi của mỗi đội thi đều có nội dung liên quan đến các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, một số tình huống gặp phải trong quá trình truyền thông, đối thoại chính sách cho người nghèo, thực hiện các chính sách liên quan cho hộ nghèo, người nghèo tại cộng đồng.
Qua đó đã tăng cường, nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là nhân dân trên địa bàn toàn huyện về mục đích, ý nghĩa của việc giảm nghèo bền vững và bảo đảm ASXH, tạo sự đồng thuận ủng hộ của bà con nhân dân; tạo sự lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong nhân dân. Đồng thời, hội thi còn giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã, thị trấn, giúp công tác truyền thông về giảm nghèo và ASXH hiệu quả hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Xác định công tác giảm nghèo và bảo đảm ASXH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn dân, toàn xã hội. Bởi vậy, huyện Đồng Văn luôn chủ động tuyên truyền về công tác này một cách kịp thời, chính xác đúng quy định với nội dung súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở.
Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn quan tâm nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã, thị trấn để các chính sách, chủ trương về giảm nghèo, ASXH đến gần dân, để bà con nhân dân hiểu, hưởng ứng và cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả. Từ đó giúp người dân được tiếp cận và thụ hưởng những chính sách để vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.